Thiết kế – thẩm duyệt – nghiệm thu – Phần 7 – trang bị phương tiện PCCC

5. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

5.1. Trang bị, bố trí bình chữa cháy

5.1.1 Trang bị, bố trí bình chữa cháy xách tay và bình chữa cháy có bánh xe

Lựa chọn, tính toán trang bị và bố trí bình chữa cháy xách tay và bình chữa cháy theo mục 5.1.1 của TCVN 3890:2023. Trong đó lưu ý:

– Việc xác định loại mức nguy hiểm để tính toán công suất bình chữa cháy được quy định tại bảng D.1 của TCVN 7534-2;

– Căn cứ vào TCVN 7026 (bảng 4, bảng 5) để xác định khối lượng bình chữa cháy dựa trên công suất chữa cháy, ví dụ: công suất chữa cháy 2A, 55B tương đương bình 4kg bột ABC;

– Hai bình chữa cháy kiểu nước (gốc nước, bọt) công suất 2-A được bố trí liền kề có thể được sử dụng để thực hiện các yêu cầu đối với bình chữa cháy công suất 3-A hoặc 4-A. Đối với đám cháy loại B hiện nay TCVN 7435-1 chưa cho phép quy đổi tương đương trừ trường hợp sử dụng bình chữa cháy dùng chất tạo bọt chữa cháy “Có thể sử dụng tới 3 bình chữa cháy loại AFFF hoặc FFFP, nếu tổng công suất của chúng bằng hoặc lớn hơn công suất quy định nhỏ nhất, để thực hiện các yêu cầu của một bình chữa cháy với công suất quy định”;

– Số lượng bình chữa cháy dự trữ không ít hơn 10% tổng số bình theo tính toán để trang bị thay thế khi cần thiết (cho phép không quá 100 bình mỗi loại);

5.1.2. Trang bị, bố trí bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo

Việc trang bị, bố trí bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo phải theo quy định tại mục 5.1.2 của TCVN 3890:2023. Trong đó lưu ý, bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo được khuyến khích trang bị nhằm bảo vệ cho các khu vực bếp, các phòng nồi hơi, giặt là có diện tích không quá 100 m2.

5.1.3. Trang bị, bố trí bình khí chữa cháy tự động kích hoạt

Việc trang bị, bố trí bình khí chữa cháy tự động kích hoạt phải theo quy định tại mục 5.1.2 của TCVN 3890:2023. Trong đó lưu ý, cho phép trang bị bình khí chữa cháy tự động kích hoạt (có thiết kế bổ sung chức năng giám sát xả, tín hiệu xả phải được truyền về tủ trung tâm báo cháy) thay thế hệ thống chữa cháy tự động bằng khí tại các khu vực không thường xuyên có người với diện tích không quá 100 m2. Nếu lắp đặt tại khu vực có diện tích trên 100 m2 thì phải phân chia thành các khu vực có diện tích không quá 100 m2 bằng tường ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 45) hoặc vách ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 45).

5.2. Trang bị, bố trí hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ; hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động

5.2.1. Yêu cầu chung

– Hệ thống hoặc thiết bị báo cháy tự động trang bị cho nhà thuộc cơ sở quy định tại Phụ lục III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP phải được kết nối với hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Thông tư số 149/2020/TT-BCA;

– Khi xác định yêu cầu trang bị hệ thống chữa cháy tự động và/hoặc hệ thống báo cháy tự động trước tiên cần xác định yêu cầu trang bị cho toàn bộ nhà (Bảng A.1), sau đó cho từng hạng mục/khu vực (Bảng A.2) và gian phòng trong nhà (Bảng A.3), cũng như thiết bị nằm trong phạm vi của công trình (Bảng A.4);

– Đối với nhà không được phân chia hoặc được phân chia thành các gian phòng bởi các kết cấu xây dựng: tường, sàn có giới hạn chịu lửa thấp hơn REI 45, vách có giới hạn chịu lửa thấp hơn EI 45 (tường, vách này phải ngăn cả không gian phía trên trần treo nếu có) thì trang bị hệ thống báo cháy tự động và/hoặc hệ thống chữa cháy tự động tương ứng với gian phòng theo Bảng A.3 của tiêu chuẩn này;

– Đối với nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F5 (không bao gồm các gian phòng F5 nằm trong nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác), các gian phòng đã trang bị hệ thống chữa cháy tự động có kết nối liên động với trung tâm báo cháy (như tín hiệu của công tắc dòng chảy báo về tủ trung tâm báo cháy khởi động tự động các hệ thống kỹ thuật có liên quan) thì cho phép không trang bị đầu báo cháy tự động trong gian phòng đó (các thiết bị khác của hệ thống báo cháy tự động như tủ trung tâm báo cháy, nút ấn, chuông, đèn báo cháy,… phải trang bị bảo đảm theo quy định);

– Khoảng không gian phía trên trần giả hoặc dưới sàn nâng trong các gian phòng, nhà thuộc diện trang bị hệ thống chữa cháy tự động và/hoặc hệ thống báo cháy tự động được trang bị phương tiện PCCC như sau:

+ Khoảng không gian phía trên trần giả hoặc dưới sàn nâng trong các gian phòng, nhà chỉ thuộc diện trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc báo cháy tự động thì chỉ trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc báo cháy tự động tương ứng; trường hợp gian phòng, nhà thuộc diện phải trang bị cả 02 hệ thống thì khoảng không gian phía trên trần giả hoặc dưới sàn nâng cũng phải trang bị cả 02 hệ thống nêu trên;

+ Các khu vực phải xem xét trang bị gồm hành lang thoát nạn, hội trường, tiền sảnh; gian phòng có từ 50 người trở lên; gian phòng có tính nguy hiểm cháy theo công năng nhóm F1.1, F4.1, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm. Cho phép chỉ bố trí đầu phun chữa cháy, đầu báo cháy tại vị trí các đường ống kỹ thuật, đường máng cáp tại không gian phía trên trần treo, dưới sàn nâng;

+ Hạng mục cáp đặt tại không gian phía trên trần treo và dưới sàn nâng không phải trang bị hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động gồm: cáp được luồn trong ống hoặc được bọc bằng vật liệu không cháy hoặc có tính cháy Ch1; cáp đơn (dây dẫn) để cấp nguồn cho các hệ thống chiếu sáng và hệ thống cáp thông tin.

– Trong các gara ô-tô 1 hoặc 2 tầng dạng ngăn (ngăn cách tối thiểu bằng vách ngăn cháy loại 1) có lối ra ngoài trời trực tiếp từ từng ngăn chứa, cho phép không trang bị hệ thống báo cháy và hệ thống chữa cháy tự động, với điều kiện mỗi ngăn không quá 2 xe;

– Đối với nhà lưu giữ, trưng bày xe máy cao không quá 02 tầng và diện tích không quá 1.000 m2; nhà dạng hở để chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhà dạng hở để chế biến và lưu trữ nông sản dạng hạt; gian phòng tạm thời được sử dụng cho triển lãm, trưng bày cho phép không trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động;

– Trong các nhà phục vụ mục đích văn hóa và giải trí (nhà hát, câu lạc bộ, phòng hòa nhạc, chiếu phim và hòa nhạc, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa, rạp xiếc, trường quay,…) có sân khấu và khán phòng với sức chứa từ 400 chỗ trở lên, khi diện tích sân khấu từ 100 m2 trở lên thì phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực sân khấu và khu vực khán giả (bằng màn nước ngăn cháy drencher hoặc màn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tối thiểu EI 60).

5.2.2. Yêu cầu riêng khi trang bị, bố trí hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ

– Việc lựa chọn, bố trí thiết bị báo cháy cục bộ được thực hiện theo quy định như đối với các thiết bị tương tự của hệ thống báo cháy tự động. Thiết bị báo cháy cục bộ là thiết bị tự động phát hiện và cảnh báo cháy bằng âm thanh. Các thiết bị báo cháy cục bộ khi được lắp đặt trong cùng một nhà và công trình phải được liên kết với nhau, đảm bảo tất cả cùng phát tín hiệu báo cháy khi có một thiết bị được kích hoạt;

– Trong nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh cho phép chỉ trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ tại khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy khi phần sản xuất, kinh doanh không quá 30% diện tích của nhà. Tuy nhiên tại mỗi tầng của nhà phải có thiết bị cảnh báo âm thanh kết nối liên động với hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ.

sơ đồ nguyên lý hệ thống báo cháy tự động
sơ đồ nguyên lý hệ thống báo cháy tự động

5.2.3. Yêu cầu riêng khi trang bị, bố trí hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động

– Hệ thống chữa cháy tự động là hệ thống chữa cháy được tự động kích hoạt xả chất chữa cháy khi các yếu tố của đám cháy vượt quá giá trị được thiết lập trong khu vực bảo vệ, có chức năng giám sát xả và dừng xả/dừng kích hoạt xả chất chữa cháy (tín hiệu giám sát phải được truyền về tủ trung tâm báo cháy; chức năng dừng xả/dừng kích hoạt phải có khả năng thực hiện bằng tay).

– Lựa chọn loại phương tiện, phương pháp chữa cháy, loại chất chữa cháy phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cháy của nhà, công trình, với từng loại đám cháy, với khả năng, hiệu quả của phương tiện chữa cháy và từng loại chất chữa cháy và trong các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan. Trong đó lưu ý nước rất hiệu quả đối với đám cháy loại A (đám cháy chất rắn) nhưng không thích hợp với đám cháy loại B (đám cháy các chất lỏng và chất rắn hóa lỏng), C (đám cháy các chất khí), D (đám cháy các kim loại); các loại khí sạch (Nitơ, HFC-227ea, Inergen, Argon, FK 5-1-12,…) thích hợp với các loại đám cháy A, B, C nhưng không thích hợp với đám cháy loại D; chất chữa cháy CO2 chỉ sử dụng tại các khu vực thường xuyên không có người.

– Đối với nhà có từ 2 công năng trở lên không thuộc diện phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo quy định tại Bảng A.1 nhưng phần công năng bất kỳ của nhà có quy mô thuộc diện phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo Bảng A.1 thì phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động cho phần nhà đó.

– Khi bố trí kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm trong nhà công năng khác nhưng phần kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm của nhà có quy mô thuộc diện phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo Bảng A.1 hoặc kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm được bố trí từ tầng 3 trở lên thì phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động cho toàn bộ nhà.

– Trong nhà và công trình quy định tại Phụ lục A phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động và/hoặc hệ thống báo cháy tự động cho toàn bộ nhà và công trình, trừ các khu vực sau:

+ Các phòng sản xuất với quy trình ướt, hồ bơi, phòng tắm, phòng rửa, phòng vệ sinh;

+ Gian phòng hạng nguy hiểm cháy D;

+ Hành lang bên;

+ Thang bộ;

+ Khoang đệm ngăn cháy có tăng áp;

+ Khu vực không có nguy hiểm về cháy.

– Trong nhà thương mại cho phép không bố trí hệ thống chữa cháy tự động tại các khu vực lưu trữ và chế biến để bán thịt, cá, trái cây và rau quả (trong bao bì không cháy), xoong nồi, thiết bị, hàng hóa, vật liệu không cháy.

– Trong các gara để xe ngầm một tầng với sức chứa không quá 25 chỗ để xe ô tô và phía trên gara để xe là khu đất trống (có thể là công viên, sân cảnh quan) thì cho phép không bố trí hệ thống chữa cháy tự động. Việc tính toán số lượng chỗ để xe đối với gara xe máy hoặc gara để xe ô tô kết hợp xe máy được quy đổi 6 chỗ để xe máy tương đương với 1 chỗ để xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 06/2021/BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng.

– Đối với nhà nhóm F1.3 có chiều cao không quá 75 m cho phép chỉ bố trí đầu phun Sprinkler của hệ thống chữa cháy tự động bằng nước phía trên cửa ra vào tại vị trí bên trong căn hộ.

– Nếu tổng diện tích các gian phòng trong nhà thuộc diện phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo quy định tại Bảng A.3 bằng hoặc lớn hơn 40% tổng diện tích sàn của nhà đó thì phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động cho toàn bộ nhà (không yêu cầu trang bị cho các khu vực được nêu tại Điều 4.12 của TCVN 3890:2023).

– Khi đặt ô tô trong các phòng trưng bày và thương mại, các gian phòng này phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo quy định tại mục 5.3 và mục 5.11 của Bảng A.3.

– Đối với thiết bị tháp thu hồi chất thải cháy được cho phép sử dụng thiết bị chữa cháy tự động thay thế hệ thống chữa cháy tự động.

5.2.4. Danh mục nhà; hạng mục/khu vực; gian phòng và thiết bị phải trang bị, bố trí hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động, hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ theo quy định tại Phụ lục A của TCVN 3890:2023 (tham khảo một số nội dung lưu ý tại văn bản số 682/C07-P4,P7 ngày 14/3/2023 của C07).

 

3 Trang bị, bố trí hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà

Họng nước chữa cháy là tổ hợp các thiết bị chuyên dùng gồm van khóa, vòi, lăng phun được lắp đặt, trang bị sẵn để triển khai đưa nước đến đám cháy;

– Đối với nhà hỗn hợp không thuộc diện phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà nhưng phần công năng bất kỳ của nhà có quy mô thuộc diện phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà theo Bảng B.1 thì phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà cho phần nhà đó. Đối với nhà hỗn hợp có phần công năng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm từ tầng 3 trở lên thì phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà;

– Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà của các nhà sản xuất, nhà kho có mức nguy hiểm cháy cao, nhà có chiều cao từ 25 m trở lên, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, vũ trường, karaoke, quán bar, hộp đêm, nhà ga, các nhà dịch vụ cảng biển, các nhà dịch vụ cảng cạn, các nhà dịch vụ cảng thuỷ nội địa, nhà hát, rạp chiếu phim phải thường xuyên có nước duy trì áp suất bảo đảm kích hoạt hệ thống tự động;

– Phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe bơm hoặc máy bơm chữa cháy di động;

– Không trang bị hệ thống họng nước chữa cháy cho nhà, khu vực, gian phòng có sử dụng hoặc bảo quản các chất mà khi tiếp xúc với nước có thể sinh ra cháy, nổ hoặc ngọn lửa lan truyền rộng;

– Nhà phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà được quy định tại Phụ lục B của TCVN 3890:2023 (tham khảo một số nội dung lưu ý tại văn bản số 682/C07-P4,P7 ngày 14/3/2023 của C07).

4. Trang bị, bố trí hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà

– Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà là hệ thống các thiết bị chuyên dùng được lắp đặt ngoài nhà để cấp nước phục vụ cho công tác chữa cháy.

– Đối với nhà, công trình nằm trong phạm vi bán kính phục vụ đến mọi điểm của nhà xét theo phương ngang không lớn hơn 200 m tính theo đường di chuyển của vòi chữa cháy đi bên ngoài nhà từ trụ cấp nước chữa cháy hoặc bãi đỗ, bến lấy nước của ao, hồ, sông, bể nước công cộng, nếu:

+ Lưu lượng và trữ lượng nước chữa cháy bảo đảm theo quy định, thì cho phép không trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà;

+ Không bảo đảm lưu lượng và trữ lượng nước chữa cháy theo quy định thì phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà (khi tính toán lưu lượng của hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, cho phép tính cộng lưu lượng của hạ tầng cấp nước chữa cháy ngoài nhà).

– Cho phép kết hợp hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với hệ thống cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

– Nhà phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà được quy định tại Phụ lục C của TCVN 3890:2023 (tham khảo một số nội dung lưu ý tại văn bản số 682/C07-P4,P7 ngày 14/3/2023 của C07).

 

5.5. Trang bị, bố trí phương tiện chữa cháy cơ giới

– Xe chữa cháy phải đáp ứng TCVN 13316 Phòng cháy chữa cháy – Xe ô tô chữa cháy các phần và các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam. Lựa chọn xe chữa cháy theo phân loại tại TCVN 13316 và có chất chữa cháy phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cháy và loại đám cháy theo quy định tại 4.4 TCVN 3890:20223 và phù hợp với phương án chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; máy bơm chữa cháy loại khiêng tay phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại TCVN 12110.

– Nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200 MW trở lên và nhà máy thủy điện có công suất từ 300 MW trở lên trong cùng một khuôn viên (hoặc liền kề nhau) và cùng một đơn vị quản lý, vận hành chỉ cần trang bị 01 xe chữa cháy.

– Các kho, cảng hàng không, cảng biển, cơ sở trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phải trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới được quy định tại Phụ lục D TCVN 3890:2023

5.6. Trang bị, bố trí phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ

– Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ trang bị cho nhà, công trình được bố trí tại khu vực thường trực về phòng cháy và chữa cháy;

– Nhà, công trình phải trang bị phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ được quy định tại Phụ lục E TCVN 3890:2023

 

5.7. Trang bị, bố trí mặt nạ lọc độc và mặt nạ phòng độc cách ly

– Mặt nạ lọc độc trang bị cho nhà, công trình được bố trí tại các tủ phương tiện trên hành lang thoát nạn từng tầng, mặt nạ phòng độc cách ly được bố trí tại phòng trực điều khiển chống cháy (phòng thường trực đối với các nhà không thuộc diện phải thiết kế phòng trực điều khiển chống cháy) tại vị trí dễ thấy, dễ lấy và đảm bảo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất. Bộ lọc của mặt nạ lọc độc phải phù hợp với quy định tại QCVN 10:2012/BLĐTBXH. của Bộ lao động thương binh và xã hội.

– Mặt nạ phòng độc cách ly là thiết bị bảo hộ cá nhân gồm mặt trùm toàn bộ khuôn mặt và bình khí thở để bảo vệ cơ quan hô hấp của người sử dụng chống lại sự xâm nhập không khí bên ngoài. Mặt nạ phòng độc cách ly phải có mặt trùm toàn bộ khuôn mặt đáp ứng yêu cầu quy định tại TCVN 13332.

– Nhà, công trình phải trang bị mặt nạ lọc độc và mặt nạ phòng độc cách ly được quy định tại Phụ lục F TCVN 3890:2023:

5.8. Trang bị, bố trí phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn

– Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn gồm: đèn chiếu sáng sự cố; biển báo an toàn; sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn.

– Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được trang bị cho tất cả các nhà, công trình (trừ nhà ở riêng lẻ).

– Đèn chiếu sáng sự cố phải được lắp đặt tại các vị trí sau:

+ Cầu thang bộ thoát nạn;

+ Đường thoát nạn và vị trí chuyển hướng thoát nạn, nút giao của hành lang;

+ Vị trí trên đường thoát nạn có thay đổi về cao độ;

+ Cửa, lối ra thoát nạn;

+ Gara để xe;

+ Trong gian phòng có người làm việc và khoảng cách từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất lớn hơn 13 m;

+ Trong phòng đặt trạm biến áp, phòng máy phát điện, phòng kỹ thuật thang máy, gian lánh nạn;

+ Trong phòng trực điều khiển chống cháy, phòng bơm chữa cháy và tại các vị trí trang bị phương tiện PCCC khác.

– Đèn chỉ dẫn lối ra thoát nạn trang bị ở tất cả các lối ra vào của cầu thang bộ thoát nạn, các đường thoát nạn trên tầng nhà và tất cả các lối ra của gian phòng có từ 02 lối ra thoát nạn trở lên.

– Phải trang bị biển báo chỉ dẫn thoát nạn tầm thấp cho:

+ Khách sạn cao từ 7 tầng trở lên hoặc khối tích từ 5000 m3 trở lên và có hành lang thoát nạn với chiều dài lớn hơn 10 m;

+ Nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

– Nhà, công trình phải trang bị, bố trí phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được quy định tại Phụ lục G TCVN 3890:2023:

 

5.9. Trang bị, bố trí hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn

– Hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn, bảo đảm mọi người trong nhà và công trình có thể nghe rõ thông báo, hướng dẫn khi có sự cố.

– Số lượng thiết bị loa cảnh báo và chỉ dẫn thoát nạn bằng giọng nói, cách bố trí và công suất của chúng phải đảm bảo mức âm thanh ở tất cả khu vực để ở.

– Tín hiệu âm thanh của hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn phải bảo đảm mức âm thanh theo quy định tại Điều 5.7.2.3, 5.7.2.4 và 5.7.2.5 của TCVN 3890:2023.

– Loa cảnh báo cháy và điều khiển thoát nạn gắn trên tường phải bảo đảm phần trên của chúng cách mặt sàn ít nhất 2,3 m và cách trần ít nhất 0,15 m.

– Nhà phải trang bị hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn được quy định tại Phụ lục G:

 

5.10. Trang bị, bố trí phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu

– Trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu cho kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, cửa hàng xăng dầu, các công trình xăng dầu, cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng (LPG) được quy định tại TCVN 5307, TCVN 4530, TCVN 5684, TCVN 6223 và các TCVN khác có liên quan do Bộ quản lý chuyên ngành quy định; trang bị cho nhà kho, cửa hàng, cơ sở sản xuất theo quy định tại Phụ lục H TCVN 3890:2023.

– Phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu được bố trí ở từng khu vực phù hợp với yêu cầu sử dụng để chữa cháy; không cản trở lối thoát nạn, lối đi và các hoạt động khác; tránh nắng, mưa và sự phá hủy của môi trường. Mỗi dụng cụ đựng cát kèm theo ít nhất 2 xẻng xúc. Các dụng cụ đựng cát chữa cháy được che đậy, không để vật bẩn rơi vào.

 

 

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983016201
challenges-icon chat-active-icon