Thiết kế – thẩm duyệt – nghiệm thu PCCC – Phần 4 – QCVN 06:2022

HƯỚNG DẪN VỀ QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN MỚI BAN HÀNH

I. Hướng dẫn QCVN 06:2022/BXD

VỀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

2.1. Quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới hoặc trong phạm vi cải tạo, sửa chữa đối với các nhà và công trình (quy định tại Điều 1.1.2, Điều 1.1.4)

– Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn (Trường hợp chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang mục đích khác thì phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan);

– Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);

– Các nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;

– Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;

– Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;

– Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).

2.2. Các đối tượng khác

– Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp khi có tối đa 05 tầng hầm trong đó tầng hầm 4, 5 chỉ bố trí gara thì áp dụng quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và QCVN 13:2018/BXD về Gara ô tô để thiết kế, thẩm duyệt;

– Các phần 2, 3, 4, 5 và 6 không áp dụng cho các nhà có công năng đặc biệt và các nhà có đặc điểm tương tự sau:

+ Nhà và công trình thuộc dây chuyền công nghệ của các cơ sở năng lượng: nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử, điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện thủy triều, điện rác, điện sinh khối, điện khí biogas, điện đồng phát;

+ Tháp kiểm soát không lưu;

+ Nhà sản xuất hoặc bảo quản các chất và vật liệu nổ; các kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, các loại khí dễ cháy, cũng như các chất tự cháy; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, chất lỏng dễ cháy, khí đốt; nhà sản xuất hoặc kho hóa chất độc hại;

+ Công trình quốc phòng, an ninh;

+ Phần ngầm của công trình tầu điện ngầm; công trình hầm mỏ.

– Phần 5 cũng không áp dụng cho các đối tượng quy định tại Điều 1.1.6.

Như vậy, các nhà, công trình không thuộc phạm vi áp dụng toàn bộ hoặc một phần của QCVN 06:2022/BXD, chủ đầu tư phải thực hiện các yêu cầu về PCCC của các tài liệu chuẩn[1] để thiết kế và thẩm duyệt về PCCC theo nguyên tắc quy định tại Điều 1.1.7 QCVN 06:2022/BXD. Trường hợp sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài về hệ thống PCCC phải thực hiện việc chấp thuận theo quy định tại khoản 5, Điều 8 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013; trường hợp sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài khác về xây dựng thì thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ. Trong các tài liệu chuẩn hiện hành có liên quan về PCCC cho nhà và công trình mà có các quy định, yêu cầu kỹ thuật cụ thể kém an toàn hơn quy định của QCVN 06:2022/BXD thì áp dụng quy chuẩn này.

2.3. Thay thế một số yêu cầu của Quy chuẩn

Đối với một số trường hợp riêng biệt quy định tại Điều 1.1.10, Điều 3.1.7, chủ đầu tư phải có luận chứng kỹ thuật nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và cơ sở của những giải pháp này để bảo đảm an toàn cháy cho công trình. Luận chứng này phải được Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất. Sau khi được Bộ Xây dựng cho ý kiến chấp thuận, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thiết kế gửi đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo phân cấp tại khoản 12 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ để thẩm duyệt theo quy định.

QCVN 06 2022 cho nhà và công trình
QCVN 06 2022 cho nhà và công trình

2.4. Xử lý chuyển tiếp

Công an các đơn vị, địa phương hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 7.1.1 và Điều 7.1.2, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

– Dự án, công trình đã được góp ý về giải pháp PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở (theo QCVN 06:/BXD phiên bản cũ) trước ngày 16/01/2023 thì tiếp tục thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được góp ý trước đó (giải pháp giao thông, bãi đỗ cho xe chữa cháy; bậc chịu lửa; khoảng cách an toàn PCCC; phân khoang ngăn cháy theo chiều ngang và chiều đứng; bố trí vị trí thang bộ thoát nạn, khoảng cách thoát nạn, cấu tạo buồng thang; bố trí vị trí, số lượng thang máy chữa cháy; bố trí gian lánh nạn) hoặc lựa chọn áp dụng toàn bộ các giải pháp theo quy định của QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, thẩm duyệt. Đối với nhà, công trình không thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì chủ đầu tư có thể lựa chọn các tài liệu chuẩn (theo hướng dẫn tại mục 2 phần II phụ lục này) áp dụng để thiết kế, thẩm duyệt.

–  Dự án, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật (theo QCVN 06:/BXD phiên bản cũ) trước ngày 16/01/2023, nay thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật điều chỉnh:

+ Trường hợp thiết kế điều chỉnh nhà, công trình thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì áp dụng QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, thẩm duyệt đối với phạm vi điều chỉnh đó. Khi áp dụng một phần quy định theo QCVN 06:2022/BXD thì phải áp dụng cả các nội dung liên quan đến phần quy định đó trong QCVN 06:2022/BXD (ví dụ khi thay đổi bậc chịu lửa của nhà sản xuất, nhà kho từ bậc I, II xuống bậc IV để được áp dụng diện tích khoang cháy theo QCVN 06:2022/BXD thì ngoài việc áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD đối với bậc chịu lửa, khoang cháy còn phải áp dụng các nội dung khác có liên quan đến bậc chịu lửa, khoang cháy như khoảng cách an toàn PCCC, lối và đường thoát nạn, giải pháp chống tụ khói…).

+ Trường hợp thiết kế điều chỉnh nhà, công trình không thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì chủ đầu tư cần lựa chọn các tài liệu chuẩn (theo hướng dẫn tại mục 2 phần II phụ lục này) áp dụng để thiết kế, thẩm duyệt đối với phạm vi điều chỉnh đó (Điều 1.1.7).

2.5. Tổ chức thực hiện

– Công an các đơn vị địa phương phối hợp với cơ quan quản lý về xây dựng chủ động tham mưu, đề xuất nội dung triển khai để tổ chức kiểm tra sự tuân thủ quy chuẩn này trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý xây dựng nhà và công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

– Tại những địa phương chưa có đủ điều kiện hạ tầng giao thông công cộng và cấp nước chung theo quy định của quy chuẩn này, Công an các địa phương phối hợp với cơ quan quản lý về xây dựng chủ động tham mưu, đề xuất nội dung triển khai ban hành quy định liên quan đến các thông số kỹ thuật để thiết kế, cấu tạo đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy phù hợp với các đặc điểm của phương tiện chữa cháy tại địa phương theo quy định tại Điều 6.1, Điều 7.4 của QCVN 06:2022/BXD.

2.6. Trình tự thực hiện bước góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt thiết kế về PCCC, thẩm định về xây dựng và cấp phép xây dựng

Đối với dự án, công trình khi xây dựng mới, cải tạo, chuyển đổi công năng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC, thẩm định, cấp phép về xây dựng thì thực hiện trình tự thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và trình tự thẩm định, cấp phép về xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cụ thể:

(1) Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện góp ý thiết kế cơ sở về PCCC trước hoặc đồng thời với thực hiện (2) Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (Cơ quan chuyên môn về xây dựng[2]) → (3) Thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công về PCCC (Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH) → (4) Thẩm định thiết kế kỹ thuật về xây dựng → (5) Cấp phép xây dựng.

Lưu ý: đối với nhà ở riêng lẻ chuyển đổi sang mục đích khác thì phải tuân thủ theo quy định của QCVN 06:2022/BXD và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Đồng thời phải thực hiện các bước theo quy định trước khi cấp phép xây dựng để chuyển đổi công năng của nhà theo hướng dẫn tại Văn bản số 4253/BXD-HĐXD ngày 21/9/2022 của Bộ Xây dựng.

2.7. Một số lưu ý

2.7.1 Về phân loại kỹ thuật về cháy

– Bổ sung quy định về cấp nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng, quy định Phụ lục B;

– Điều 2.3.2 Bổ sung khả năng hạn chế bức xạ bằng nhiệt của cấu kiện xây dựng;

– Bảng 1 QCVN 06:2022/BXD, quy định Đối với Vách ngăn cháy có diện tích kính lớn hơn 25% diện tích vách thì phần vật liệu khác kính áp dụng chỉ tiêu EI, đối với phần kính áp dụng chỉ tiêu EW. Các vách ngăn cháy đã thử nghiệm đạt chỉ tiêu EI đối với cả phần kính được xem là đạt chỉ tiêu EW

– Bảng 2 QCVN 06:2022/BXD Chỉ yêu cầu GHCL của cửa tầng thang máy trường hợp kết cấu bao che thang máy có yêu cầu giới hạn chịu lửa. Khi đó GHCL của cửa tầng thang máy xác định theo bảng 1 và bảng 2, tức là E30. Trường hợp trước sảnh thang máy có khoang đệm ngăn cháy hoặc sảnh được bao che bởi các bộ phận ngăn cháy như tại 4.23 thì không yêu cầu GHCL của cửa tầng thang máy kể cả khi kết cấu bao che giếng thang có yêu cầu về GHCL. Đối với Cửa đi có diện tích kính lớn hơn 25% diện tích cửa thì phần vật liệu khác kính áp dụng chỉ tiêu EI, đối với phần kính áp dụng chỉ tiêu EW. Các cửa đi đã thử nghiệm đạt chỉ tiêu EI đối với cả phần kính được xem là đạt chỉ tiêu EW

– Tại bảng 4 QCVN 06:2022/BXD, được hiểu như sau:

+ Đối với từng công trình cụ thể sử dụng kết cấu cột bê tông cốt thép, sàn từng tầng bê tông cốt thép (với nhà nhiều tầng), tại bộ phận mái (không có tầng áp mái) gồm tấm lợp, giàn, dầm, xà gồ thiết kế bằng thép (không bọc bảo vệ) khi trong hồ sơ thiết kế chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, người thiết kế kết cấu có năng lực thuyết minh, tính toán chỉ rõ các bộ phận này không tham gia vào độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà khi có cháy và chịu trách nhiệm về kết quả này (không phải là tường chịu lực, cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác theo quy định của QCVN 06:2022/BXD) thì có thể xét giới hạn chịu lửa các bộ phận này là kết cấu mái (không phải cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác của nhà theo quy định tại bảng 4), khi đó giới hạn chịu lửa của các bộ phận này đạt R15, RE15, R30, RE30 thì xác định bậc chịu lửa của nhà là bậc II/I;

– Đối với trường hợp khác: phải có biện pháp để bảo đảm giới hạn chịu lửa cho kết cấu mái;

– Đối với nhà có bộ phận chịu lực là các kết cấu thép: để bảo đảm đạt được bậc chịu lửa I, II, III phải có giải pháp phủ, bọc bảo vệ chống cháy cho các kết cấu thép chịu lực đạt GHCL tương ứng R120, R90, R45:

+ Thông tin về các bộ phận chịu lực của nhà (tương ứng với từng GHCL) phải được đơn vị thiết kế chỉ rõ trong thuyết minh và thiết kế kỹ thuật (Điều 2.5.3.3);

+ Trong hồ sơ, tài liệu kỹ thuật (thuyết minh và thiết kế kỹ thuật) cho các lớp phủ, bọc bảo vệ chống cháy phải chỉ rõ chu kỳ thay thế hoặc khôi phục tùy thuộc vào điều kiện khai thác sử dụng (quy định tại Điều 4.13).

+ Một cấu kiện xây dựng được cho là bảo đảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa nếu thỏa mãn một trong các điều kiện được nêu tại CHÚ THÍCH 3 của Điều 2.2.2.2

Lưu ý: Nội dung hướng dẫn nêu trên thay thế nội dung hướng dẫn tại văn bản số số 3500/-P4, P7 ngày 29/11/2021; 2661/C07-P4,P7 ngày 27/9/2022 và nội dung nêu tại mục 3 phần V phụ lục II của văn bản số 2075/C07-P4 ngày 09/8/2022 của C07.

– Làm rõ thêm về bộ phận chịu lực của nhà “Tường chịu lực, cột chịu lực, hệ giằng, vách cứng, giàn, các bộ phận của sàn giữa các tầng và của mái không có tầng áp mái (dầm, vì kèo, xà, tấm sàn, tấm lợp) được coi là các bộ phận chịu lực của nhà nếu chúng bảo đảm độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà khi có cháy”;

– Theo chú thích 5 thì cho phép một phần tường ngoài không yêu cầu giới hạn chịu lửa (tỷ lệ phần này tuân theo khoảng cách đến đường ranh giới). Trường hợp khoảng cách bảo đảm thì theo Chú thích 6 tường ngoài không yêu cầu GHCL. Lưu ý rằng dù có 100% tường ngoài ko cần bảo vệ chịu lửa theo phụ lục E thì vẫn phải tuân thủ các quy định ngăn cháy lan theo mặt đứng tại 4.32, 4.33;

– Lớp cách nhiệt của tấm lợp được coi là một thành phần của tấm lợp, phải bảo đảm giới hạn chịu lửa quy định tại Bảng 4 khi tấm lợp đó không thuộc diện giảm trừ tại Chú thích 2.

– Hệ số tiết diện Am/V xác định theo ISO 834-10 hoặc các tiêu chuẩn tương đương

– Bổ sung quy định về giới hạn chịu lửa của:

+ Các tấm lợp (kể cả tấm lợp có lớp cách nhiệt) và xà gồ đỡ tấm lợp (trừ các nhà, khoang cháy, gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F3.1, F3.2, nhà sản xuất, nhà kho nhóm F5 và các nhà, gian phòng, khoang cháy khác thuộc hạng A, B, C)

+ Tường ngoài không chịu lực

– Không quy định giới hạn chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy của các cấu kiện kết cấu mái có tầng áp mái trong các nhà với mọi bậc chịu lửa. Không quy định giới hạn chịu lửa của kết cấu đầu hồi tầng áp mái, trong trường hợp này thì đầu hồi tầng áp mái phải có cấp nguy hiểm cháy tương đương với cấp nguy hiểm cháy của tường bao che nhà. Các cấu kiện, kết cấu thuộc các bộ phận của mái có tầng áp mái phải được đơn vị thiết kế chỉ dẫn trong tài liệu kỹ thuật của nhà

– Bảng 6 QCVN 06:2022/BXD

+ Phạm vi áp dụng để phân nhóm làm rõ hơn mở rộng từ “Nhà” thành “Nhà, công trình, khoang cháy, gian phòng hoặc nhóm các phòng có công năng liên quan với nhau”

+ Chuyển các loại hình: câu lạc bộ, vũ trường, quán bar, phòng hát, nhà kinh doanh karaoke từ nhóm F2.2 thành nhóm F2.1. Đồng thời bổ sung loại hình hộp đêm trong nhóm F2.1

+ Bỏ các loại hình: cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, đình, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, từ đường, nhà thờ họ ra khỏi nhóm F3.5 do không thuộc phạm vi của quy chuẩn nêu tại 1.2.

+ Bổ sung loại hình văn phòng làm việc của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác trong nhóm F4.3

2.7.2. Về bảo đảm an toàn cho người

– Điều 3.1.7 QCVN 06:2022/BXD

– Khi bố trí công năng công cộng, thương mại dịch vụ tại tầng hầm 1 của công trình thì diện tích khoang cháy lớn nhất cho phép được xác định dựa vào tổng số tầng bố trí công năng đó trên cơ sở quy định tại Phụ lục H.2. Khi bố trí công năng công cộng, thương mại dịch vụ tại tầng hầm 2, 3 thì thực hiện theo quy định tại Điều 1.1.10 và hướng dẫn tại mục II.3

– Quy định bổ sung công năng bệnh viện và trường phổ thông được phép bố trí ở tầng bán hầm hoặc hầm 1.

– Điều 3.1.10, quy định Các hệ thống PCCC phải bảo đảm được cấp điện ưu tiên từ 02 nguồn độc lập (một nguồn điện lưới và một nguồn máy phát điện dự phòng). Không cho phép sử dụng 02 nguồn độc lập từ 02 nguồn điện lưới qua các máy biến áp (có thể dùng 2 bơm động cơ diesel).

– Điều 3.2.1 Lối dẫn ra mái có khai thác sử dụng, hoặc ra một khu vực riêng của mái dẫn tới cầu thang bộ loại 3 cũng được coi là lối thoát nạn

– Điều 3.2.2,  Bổ sung thêm yêu cầu kèm theo đối với lối ra từ phòng chờ, phòng gửi đồ, phòng hút thuốc và phòng vệ sinh ở các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm của nhà nhóm F2, F3 và F4 đi vào tiền sảnh của tầng 1 theo các cầu thang bộ riêng loại 2. Bổ sung thêm các cửa mở quay có bản lề trên cửa ra vào dành cho phương tiện vận tải đường sắt hoặc đường bộ.

– Điều 3.2.4 cho phép Việc bố trí thoát nạn khu vực từng khoang cháy có thể cho phép sử dụng không quá 50% số lối dẫn vào khoang cháy lân cận. (thoát nạn qua các khoang cháy khác).

– Điều 3.2.5, cho phép Các căn hộ thông tầng không yêu cầu có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng. Đồng thời Cho phép thoát nạn đi qua gian phòng liền kề, nhưng có kèm điều kiện gian phòng liền kề đó cũng phải có lối ra thoát nạn tuân thủ quy định của quy chuẩn này và các tài liệu chuẩn tương ứng cho gian phòng đó. Khi có các lối thoát nạn thông vào gian phòng đang xét từ các gian phòng bên cạnh với số lượng trên 5 người có mặt ở mỗi phòng bên cạnh, thì khoảng cách thoát nạn phải bao gồm độ dài đường thoát nạn cho người từ các gian phòng bên cạnh đó. Ví dụ gian phòng liền kề không có lối thoát nạn đạt yêu cầu thì không thể thoát nạn qua gian phòng liền kề này.

– Điều 3.2.6, Bổ sung quy định bố trí 01 lối thoát nạn đối với một số loại hình công trình như các biệt thự, villa, cơ sở nghỉ dưỡng; Cho phép thay buồng thang loại N1 bằng buồng thang loại N2 đối với nhà F1.3 trong một số trường hợp và Quy định tại 3.2.6a cho phép các công trình villa, biệt thự… sử dụng thang bộ loại 2 thay thế cho buồng thang bộ là độc lập với quy định cho phép bố trí một lối ra thoát nạn tại điều này.

– Điều 3.2.9 Quy định bổ sung tính toán thoát nạn khi sử dụng cửa hai cánh trên lối ra thoát nạn thì chiều rộng của lối ra thoát nạn chỉ được lấy bằng chiều rộng lối đi qua bên cánh mở, không được phép tính bên cánh đóng hoặc cánh cố định. Cửa hai cánh phải được lắp cơ cấu tự đóng sao cho các cánh được đóng lần lượt. Quy định bổ sung giới hạn chịu lửa của cửa mở thoát nạn từ hành lang chung của nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m.

– Điều 3.3 Cầu thang hở trong nhà (loại 2) nối từ 3 tầng trở lên không được coi là thang thoát nạn (ngoại trừ dẫn trực tiếp vào hành lang bên của nhà có chiều cao PCCC dưới 28 m).

Vật liệu hoàn thiện, trang trí chính là vật liệu hoàn thiện tại điều 3.3.4 (nhằm bao che đi cấu kiện/bộ phận/kết cấu bên trong và/hoặc có thể có thêm chức năng khác như chống thấm, cách nhiệt …), có thể kết hợp mục đích trang trí (ví dụ trường hợp sử dụng vật liệu hoàn thiện là giấy dán tường, các tấm nhựa hoàn thiện ốp tường, hoặc vữa décor, gạch ốp tạo hình …). Vật liệu hoàn thiện thường bao phủ toàn bộ hoặc phần lớn diện tích các mặt gian phòng, hành lang. Trường hợp trên tường chỉ có vài tấm ốp nhỏ, hoặc một số vị trí có sử dụng thêm vật liệu khác để trang trí thì nên hiểu các bộ phận này thuộc về nội thất trang trí thuần túy, không phải vật liệu hoàn thiện, trang trí vì không bao phủ diện tích lớn.

– Điều 3.4.2 Không quy định giới hạn chịu lửa của các lỗ cửa dẫn từ hành lang ra chiếu tới của thang, cũng như dẫn từ các gian phòng mà cầu thang bộ loại 3 này chỉ sử dụng để thoát nạn cho các gian phòng đó.

– Điều 3.4.7 Cho phép thoát nạn qua sảnh (không thoát trực tiếp ra ngoài nhà) đối với một số trường hợp.

– Điều 3.4.8 quy định rõ việc chiếu sáng buồng thang bộ, trong đó trường hợp không bố trí được chiếu sáng tự nhiên thì các buồng thang bộ thoát nạn phải là buồng thang bộ không nhiễm khói và được trang bị chiếu sáng nhân tạo

2.7.3 Về ngăn cháy lan

– Điều 4.5 Khi xác định công năng khác nhau cho các khu vực để ngăn cháy lan căn cứ theo quy định tại Bảng 6 và lấy theo từng nhóm công năng nhỏ (F1.1, F1.2…); Đối với khu vực phụ trợ cho công năng chính của nhà có diện tích không quá 10% diện tích sàn của nhà và có hạng nguy hiểm cháy không cao hơn thì không yêu cầu ngăn cháy cho khu vực phụ trợ này; Tại Điều 4.5 đã có quy định cụ thể về giới hạn chịu lửa của kết cấu ngăn cháy đối với các phần nhà có công năng khác nhau là vách ngăn cháy loại 1 và (hoặc) sàn ngăn cháy loại 3, trừ khi có quy định khác về ngăn cháy (khi ngăn khoang cháy, ngăn cháy với khu vực gara để xe…).

– Điều 4.6 Các phần nhà trong nhà hỗn hợp khi phân chia bằng các bộ phận ngăn cháy thì được phép bố trí theo quy định tại Phụ lục H về Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, chiều cao PCCC lớn nhất cho phép của nhà, số tầng nhà và diện tích một tầng trong phạm vi một khoang cháy.

– Điều 4.8 Quy định này chỉ áp dụng với gian phòng có hạng A và B là gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy nhóm F5 được phân nhóm dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng tại Bảng 6. Lưu ý: Việc phân hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ chỉ áp dụng cho các nhà, gian phòng có công năng sản xuất, kho và trong các nhà, gian phòng có công năng khác được nêu tại Điều 2.5.5.2

– Điều 4.35 và Điều H.6.2 Phụ lục H, chỉ áp dụng đối với công trình nhà dân dụng và các nhà ga hành khách. Khi vách kính kết hợp với màn nước nêu tại 4.35 được hiểu là tương đương với vách ngăn cháy loại 1 nêu tại H.6.2, khi đó diện tích một sàn trong phạm vi một khoang cháy của khu vực thông tầng là tổng diện tích của tầng dưới cùng của gian thông tầng và của các hành lang, lối đi bộ.

[1] Bao gồm các tài liệu như các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, quy phạm thực hành và quy chuẩn kỹ thuật trong và ngoài nước được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

[2] Cơ quan chuyên môn về xây dựng là cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

 

 

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983016201
challenges-icon chat-active-icon