Thiết kế – thẩm duyệt – nghiệm thu PCCC – Phần 6 – TCVN 3890

Hướng dẫn nội dung của TCVN 3890:2023

VỀ BỐ CỤC CỦA TIÊU CHUẨN

Ngoài phần mục lục, lời nói đầu, thư mục tài liệu tham khảo, TCVN 3890:2023 được bố cục gồm 05 phần và 08 phụ lục.

  1. Phạm vi áp dụng
  2. Tài liệu viện dẫn
  3. Thuật ngữ và định nghĩa
  4. Quy định chung
  5. Quy định về trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy

Phụ lục A (Quy định) Quy định về trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ và hệ thống chữa cháy tự động

Phụ lục B (Quy định) Quy định về trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà

Phụ lục C (Quy định) Quy định về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy
ngoài nhà

Phụ lục D (Quy định) Quy định về trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới

Phụ lục E (Quy định) Quy định về trang bị dụng cụ phá dỡ thô sơ

Phụ lục F (Quy định) Quy định về trang bị mặt nạ lọc độc và mặt nạ phòng độc cách ly

Phụ lục G (Quy định) Quy định về trang bị hệ thống loa thông báo và hướng dẫn thoát nạn

Phụ lục H (Quy định) Quy định về trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu

 

VỀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Phương tiện phòng cháy và chữa cháy gồm phương tiện cơ giới, thiết bị, máy móc, dụng cụ, hóa chất, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho việc phòng cháy và chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.

2.1. Tiêu chuẩn này quy định về trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là phương tiện PCCC) cho nhà, công trình, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ  cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch không phụ thuộc vào chủ sở hữu và đơn vị chủ quản theo pháp nhân:

– Khi xây dựng mới;

– Khi cải tạo làm tăng quy mô của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch;

– Khi cải tạo nhà, công trình:

+ Làm tăng quy mô của nhà, công trình (tăng số tầng (bao gồm cả tầng hầm), chiều cao PCCC, diện tích, khối tích);

+ Làm tăng quy mô (diện tích hoặc khối tích) của gian phòng;

+ Khi chuyển đổi công năng sử dụng của gian phòng, nhà, công trình (bao gồm cả trường hợp chuyển đổi công năng nhưng không làm tăng hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ);

+ Khi thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng, nhà, công trình theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy của gian phòng, nhà, công trình;

Như vậy, đối với gian phòng, nhà, công trình đã trang bị phương tiện PCCC bảo đảm theo TCVN 3890:2009 không yêu cầu bắt buộc trang bị phương tiện PCCC theo TCVN 3890:2023 khi: (1) cải tạo không làm tăng quy mô hoặc (2) thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ mà không theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy (không bao gồm trường hợp chuyển đổi công năng).

  1. Các đối tượng khác: Đối với nhà và công trình không được quy định trong tiêu chuẩn này thì phải trang bị phương tiện, hệ thống PCCC như với nhà và công trình có công năng tương tự tại Phụ lục A, B, C, D, E, F, G. Trường hợp chưa có quy định cụ thể, thì nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về thiết bị, hệ thống PCCC theo quy định tại khoản 5, Điều 8 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013.

XỬ LÝ CHUYỂN TIẾP

3.1. Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC[2] nộp vào thủ tục hành chính từ ngày 28/02/2023 phải áp dụng TCVN 3890:2023 để xem xét trang bị, bố trí phương tiện PCCC (bao gồm cả trường hợp (1) hồ sơ thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình đã được góp ý giải pháp về PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở trước ngày 28/02/2023 hoặc (2) đã có văn bản kiến nghị đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công trước ngày 28/02/2023), trong đó lưu ý:

3.1.1. Đối với trường hợp điều chỉnh, cải tạo làm tăng quy mô của, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch phải xem xét trang bị, bố trí phương tiện PCCC đối với toàn khu phù hợp với đối tượng, quy mô sau khi điều chỉnh, cải tạo theo quy định của TCVN 3890:2023.

3.1.2. Đối với trường hợp thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh hoặc thiết kế cải tạo nhà, công trình

3.1.2.1. Nhà, công trình đã được thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật trước ngày 28/02/2023, nay thẩm duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, nếu việc điều chỉnh thiết kế làm: (1) tăng quy mô hoặc (2) chuyển đổi công năng hoặc (3) thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy thì phải xem xét trang bị, bố trí phương tiện PCCC đối với toàn bộ nhà, công trình phù hợp với đối tượng, quy mô sau khi điều chỉnh theo quy định của TCVN 3890:2023.

3.1.2.2. Nhà, công trình đã được nghiệm thu về PCCC trước ngày 28/02/2023, nay thẩm duyệt thiết kế cải tạo làm tăng quy mô (tăng số tầng, chiều cao PCCC, diện tích, khối tích), chuyển đổi công năng sử dụng nhà, công trình thì phải xem xét trang bị, bố trí phương tiện PCCC theo quy định của TCVN 3890:2023 trong phạm vi điều chỉnh, cải tạo đó.

3.1.3. Đối với trường hợp thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh hoặc thiết kế cải tạo gian phòng trong công trình làm: (1) tăng quy mô hoặc (2) chuyển đổi công năng hoặc (3) thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy thì phải trang bị phương tiện PCCC phù hợp với đối tượng, quy mô của gian phòng sau khi điều chỉnh, cải tạo theo quy định của TCVN 3890:2023.

3.2. Đối với nhà, công trình không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã đưa vào sử dụng trước ngày 28/02/2023, nay (1) cải tạo làm tăng quy mô hoặc (2) chuyển đổi công năng hoặc (3) thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy của gian phòng, nhà, công trình thì phải xem xét trang bị, bố trí phương tiện PCCC theo quy định của TCVN 3890:2023 trong phạm vi điều chỉnh, cải tạo đó.

QUY ĐỊNH CHUNG

4.1. Lưu ý trong việc xác định chiều cao PCCC, số tầng, diện tích, khối tích của nhà, công trình

4.1.1. Xác định chiều cao PCCC của nhà công trình theo quy định tại Điều 3.15 TCVN 3890:2023. Trong đó lưu ý:

– Đường cho xe chữa cháy là đường bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 6 QCVN 06:2022/BXD và phục vụ xe chữa cháy tiếp cận đến bãi đỗ;

– Trường hợp nhà có nhiều cốt đường cho xe chữa cháy hoạt động và/hoặc nhiều ô cửa sổ mở trên tường ngoài của tầng trên cùng ở các cao độ khác nhau thì chiều cao PCCC được xác định trên nguyên tắc lấy theo khoảng cách lớn nhất (tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng tương ứng).

4.1.2. Xác định số tầng của nhà, công trình theo quy định tại Điều 3.19 TCVN 3890:2023. Trong đó lưu ý:

– Tầng kỹ thuật là tầng hoặc một phần tầng bố trí các gian kỹ thuật hoặc các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng bán hầm, tầng áp mái, tầng trên cùng hoặc tầng thuộc phần giữa của tòa nhà;

– Tầng áp mái là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường bao (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m. Trường hợp tường bao cao hơn 1,5 m thì không được coi là tầng áp mái và tầng này phải được tính vào số tầng của nhà;

– Tầng bán hầm/nửa hầm là tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc ngang cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt;

– Một số trường hợp tầng tum và tầng lửng không tính vào số tầng nhà:

+ Tầng tum không tính vào số tầng nhà khi chỉ có chức năng sử dụng để bao che lồng cầu thang bộ/giếng thang máy và che chắn các thiết bị kỹ thuật của nhà (nếu có), có diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái;

+ Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới;

+ Đối với công trình nhà công nghiệp thì sàn giá đỡ và sàn lửng nằm ở cao độ bất kì không tính vào số tầng của công trình khi có diện tích không lớn hơn 40% diện tích 1 tầng của công trình đó;

+ Đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ, nhà công nghiệp), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300 m2. Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.

Ví dụ: Nhà có 01 tầng nửa hầm, 20 tầng nổi, 01 tầng kỹ thuật (giữa tầng 10 và tầng 11) và 01 tum bố trí tum thang và phòng kỹ thuật thì số tầng cao của nhà có thể xác định theo một số trường hợp cụ thể như sau:

– Nếu tầng tum có diện tích không vượt quá 30% diện tích sàn mái thì số tầng cao của nhà là 22 tầng;

– Nếu tầng tum có diện tích vượt quá 30% diện tích sàn mái thì số tầng cao của nhà là 23 tầng.

4.1.3. Diện tích và khối tích

– Diện tích:

+ Diện tích của nhà, công trình trong tiêu chuẩn này được hiểu là tổng diện tích sàn của nhà, công trình/hạng mục công trình độc lập về kết cấu. Trường hợp các nhà đã bảo đảm về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn và ngăn cháy lan, được kết nối với nhau bởi các lối đi (hành lang cầu) thì cho phép tính diện tích riêng biệt của từng nhà. Trường hợp này không tính diện tích hành lang cầu vào diện tích của nhà.

+ Tổng diện tích sàn của nhà được tính bằng tổng diện tích sàn của tất cả các tầng (các tầng có thể bao gồm các tầng nằm hoàn toàn hoặc một phần dưới mặt đất, các tầng phía trên mặt đất, tầng áp mái, hiên, sân thượng, sàn kỹ thuật hoặc sàn để làm cho kho chứa) theo quy định tại Điều 5.1.3 của TCVN 9255;

+ Diện tích của gian phòng được hiểu là diện tích của một phần tòa nhà được bao quanh bởi các bộ phận ngăn cháy với giới hạn chịu lửa: tường, sàn, vách ngăn – không thấp hơn EI 45. Trường hợp các gian phòng được ngăn cách bằng các kết cấu có giới hạn chịu lửa thấp hơn EI 45 thì diện tích của gian phòng là tổng diện tích các gian phòng này, đồng thời xem xét đến phần công năng của phòng có yêu cầu trang bị cao nhất theo quy định của tiêu chuẩn này.

– Khối tích:

+ Khối tích của nhà, công trình được hiểu là khối tích của nhà, công trình/hạng mục công trình độc lập về kết cấu. Trường hợp các nhà đã bảo đảm về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn và ngăn cháy lan, được kết nối với nhau bởi các lối đi (hành lang cầu) thì cho phép tính diện tích và khối tích riêng biệt của từng nhà. Trường hợp này không tính khối tích hành lang cầu vào khối tích của nhà;

+ Khối tích quy định trong tiêu chuẩn này được tính theo tổng khối tích của tòa nhà hoặc các phần của tòa nhà được bao quanh và được che phủ về mọi phía, là tích số giữa tổng diện tích sàn nhân với chiều cao tương ứng theo quy định tại Điều 5.2.2.1 của TCVN 9255.

4.2. Việc trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình căn cứ trên cơ sở phân tích công năng sử dụng, tính nguy hiểm cháy của từng hạng mục nhà độc lập về kết cấu.

Ví dụ: Dự án, công trình nhà máy sản xuất bao gồm các hạng mục nhà xưởng, nhà kho, nhà văn phòngđộc lập về kết cấu thì cần căn cứ đặc điểm công năng sử dụng, quy mô của từng hạng mục nhà xưởng, nhà kho, nhà văn phòng, ký túc xá để đối chiếu với công năng, quy mô tương ứng quy định tại TCVN 3890:2023 để xem xét trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho từng hạng mục nêu trên.

4.3. Trong một số trường hợp riêng biệt, có thể xem xét thay thế một số yêu cầu của tiêu chuẩn này đối với công trình cụ thể khi có luận chứng kỹ thuật nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và cơ sở của những giải pháp này để bảo đảm an toàn cháy cho công trình.

4.4. Một số loại hình nhà, công trình, gian phòng quy định trong tiêu chuẩn

– Nhà hỗn hợp là nhà dân dụng có nhiều công năng sử dụng khác nhau (từ 02 công năng sử dụng trở lên, ví dụ: một nhà được thiết kế sử dụng làm văn phòng, dịch vụ thương mại, hoạt động công cộng và có thể có các phòng ở). Nhà hỗn hợp phải áp dụng các quy định về trang bị, bố trí phương tiện PCCC đối với nhà hỗn hợp khi diện tích sàn xây dựng dùng cho mỗi công năng của nhà không vượt quá 70% tổng diện tích sàn xây dựng của nhà (không bao gồm các diện tích sàn dùng cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, gian lánh nạn và đỗ xe). Trường hợp nhà hỗn hợp có công năng chính chiếm từ 70% tổng diện tích sàn xây dựng của nhà thì áp dụng các quy định về trang bị, bố trí phương tiện PCCC như đối với công năng chính
của nhà;

– Cửa hàng kinh doanh hàng hóa chất dễ cháy gồm: cửa hàng kinh doanh nội thất, quần áo, chăn nệm, sách báo, vàng mã vàng mã và các cửa hàng có tính chất tương tự;

Ví dụ: Nhà ở riêng lẻ kết hợp làm cửa hàng kinh doanh quần áo thì áp dụng các quy định về trang bị, bố trí phương tiện PCCC theo một số trường hợp cụ thể như sau:

– Nếu phần diện tích kinh doanh chiếm từ 70% tổng diện tích sàn xây dựng của nhà trở lên thì áp dụng các quy định về trang bị, bố trí phương tiện PCCC như đối với cửa hàng kinh doanh hàng hóa là chất dễ cháy;

– Nếu phần phần diện tích kinh doanh chiếm trên 30% đến dưới 70% thì áp dụng các quy định về trang bị, bố trí phương tiện PCCC như đối với nhà hỗn hợp;

– Nếu phần phần diện tích kinh doanh chiếm không quá 30% thì áp dụng các quy định về trang bị, bố trí phương tiện PCCC như đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy.

– Nhà hành chính gồm: trụ sở cơ quan nhà nước các cấp, nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội;

– Nhà thương mại gồm: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại;

– Nhà lưu giữ (gara), trưng bày ô tô, xe máy, nhà chế biến và lưu trữ nông sản dạng hạt, nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm dạng hở là nhà không có tường bao che ngoài. Nhà cũng được coi là hở nếu công trình có hai cạnh đối diện dài nhất được để hở. Cạnh được coi là được để hở nếu tổng diện tích phần để hở dọc theo cạnh này chiếm không ít hơn 50% diện tích mặt ngoài của nó ở trên từng tầng;

– Kho lạnh (kho cấp đông): Một hoặc nhiều phòng được cách nhiệt và làm lạnh để bảo quản thực phẩm, hàng hóa ở nhiệt độ quy định.

4.5. Phương tiện, thiết bị, hệ thống PCCC phải được quản lý, bảo quản, bảo dưỡng theo quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021 của Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC và CNCH và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành liên quan hoặc hướng dẫn của đơn vị sản xuất.

[1] Gồm: Khu du lịch, khu nghiên cứu, đào tạo, khu thể dục thể thao

[2] Gồm: Góp ý đối với đồ án quy hoạch xây dựng; chấp thuận địa điểm xây dựng; góp ý đối với thiết kế cơ sở; Cấp giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình

TCVN 3890:2023

 

 

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983016201
challenges-icon chat-active-icon