Thiết kế – thẩm duyệt – nghiệm thu – Phần 8 – TCVN 7161-1:2022

Hướng dẫn nội dung TCVN 7161-1:2022

Tiêu chuẩn TCVN 7161-1:2022 “Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống – Phần 1: Yêu cầu chung” được xây dựng bằng phương pháp chấp thuận hoàn toàn tương đương theo tiêu chuẩn quốc tế gốc ISO 14520-1:2015  Gaseous fire-extinguishing systems — Physical properties and system design — Part 1: General requirements. Tiêu chuẩn TCVN 7161-1:2022 đã có những thay đổi so với phiên bản năm 2009 như:

– Tài liệu gốc ISO 14520-1:2015 đã sửa đổi công thức tính nồng độ chất chữa cháy. Tuy nhiên nội dung của tiêu chuẩn gốc ISO 14520-1:2015 có một số sai sót trong các công thức B.3 và công thức C.2, do đó Ban biên soạn đã lấy nội dung các công thức nêu trên theo dự thảo tiêu chuẩn gốc ISO/FDIS 14520-1 phiên bản năm 2023 (đã ban hành tháng 02.2023), do đó công thức tính nồng độ chất chữa cháy tại TCVN 7161-1:2022 không thay đổi so với TCVN 7161-1:2009:

 

Khí hóa lỏng

 

Khí không hóa lỏng

 

– Đưa ra các phương pháp để tính toán ảnh hưởng của áp suất khí quyển đến các khí trơ, được quy định trong Điều 5.2.2 của tiêu chuẩn. Quy định này là mối liên quan của độ cao với áp suất khí quyển trung bình (độ cao của khu vực bảo vệ) đến nồng độ tối đa cho phép của chất chữa cháy cháy và nồng độ oxy tối thiểu được cho phép.

– Thời gian xả khí chữa cháy không hóa lỏng được tăng từ tối đa 60 giây lên tối đa 120 giây đối với khu vực bảo vệ loại A, cụ thể tại Điều 7.9.1.2 quy định: ” Đối với khí trơ, thời gian phun chữa cháy là thời gian để đạt tới 95% nồng độ thiết kế ở 200C không quá 60 s đối với đám cháy loại B, không quá 120 s đối với đám cháy loại A. Tính toán lưu lượng theo Điều 7.3 hoặc theo tài liệu hướng dẫn đã được phê duyệt chứng minh sự tuân thủ thời gian phun này.”

– Sửa đổi Phụ lục B, C và E từ kinh nghiệm thu được qua các năm áp dụng trong các lĩnh vực thuộc các Phụ lục này so với phiên bản trước để đưa vào các nội dung chi tiết hơn trong các quá trình thử nghiệm xác định nồng độ dập tắt, sự phân bố đầu phun, thời gian duy trì nhỏ nhất.

– Phụ lục H đã được sửa đổi để bổ sung nội dung của ISO/TS 13075 về phương pháp tính lưu lượng của hệ thống, cụ thể đã bổ sung phương pháp sử dụng phần mềm tính toán:

Phương pháp 2 – Môđun xác định quy trình cho tính toán phần mềm

Bước 1: Xác định quy trình bắt đầu với thử nghiệm của các thành phần được dùng trong hệ thống khí chữa cháy trơ. Trước đó cần phải xác định yếu tố ma sát của các thành phần và lưu lượng theo khối lượng ở đầu phun.

Bước 2: Việc kết hợp các giá trị được xác định vào thuật toán và cơ sở vật lý cho tính toán lưu lượng được kiểm tra bởi cơ quan phê duyệt. Trước đó người thiết kế phần mềm cần phải ghi lại mô hình toán học của phần mềm.

Bước 3: Tiến hành các thử nghiệm xác định. Trước đó cần thử nghiệm ít nhất năm hệ thống khác nhau; các giới hạn thiết kế phải theo Điều 4. Tất cả các thử nghiệm này phải đảm bảo yêu cầu trong Điều 7.

– Bổ sung dữ liệu, giải thích, khuyến cáo và các yêu cầu về môi trường:

Chỉ số làm nóng lên toàn cầu (GWP) và chỉ số tác động phá hủy tầng ôzôn (ODP) áp dụng cho các chất chữa cháy dạng khí trong các phần ISO 14520-2 đến ISO 14520-15.

GWP là chỉ số đo lượng khí góp phần làm nóng lên toàn cầu. Thang đo là sự so sánh tương đối trên khối lượng cơ sở của một chất với cácbon điôxit (cácbon điôxit có GWP bằng 1). Chỉ số ODP là chỉ số liên quan đến khối lượng tương ứng của CFC-11 (CFC-11 có chỉ số ODP bằng 1). Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC và các bên tham gia Nghị định thư Montreal đang cung cấp các thông tin cập nhật về môi trường đối với giải pháp thay thế khí sạch. Khi áp dụng tiêu chuẩn này phải xem xét các thông tin do các tổ chức cung cấp để hiểu rõ tầm quan trọng về ảnh hưởng môi trường của các chất chữa cháy trong tiêu chuẩn.

Danh sách các hợp chất và khả năng làm nóng lên toàn cầu được đăng tải trên website của IPCC tại địa chỉ http://www.ipcc.ch. Danh sách các hợp chất và khả năng làm phá hủy tầng ôzôn được đăng tải trên website của Nghị định thư Montreal tại địa chỉ http://montreal-protocol.org.

– Các thay đổi về trình bày, câu từ khác được biên soạn lại.

 

 

 

PHẦN III. HƯỚNG DẪN VỀ HỆ THỐNG PCCC VÀ HỆ THỐNG KỸ THUẬT KHÁC CÓ LIÊN QUAN

I. Hệ thống báo cháy tự động

– Đối với nhà nhóm F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m, nhà nhóm F1.3 có chiều cao PCCC từ trên 75 m đến 150 m phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ; hệ thống phải báo rõ địa chỉ của từng căn hộ;

– Đầu báo cháy

+ Việc lựa chọn đầu báo cháy phải phù hợp với tính chất sử dụng và mức độ nguy hiểm cháy của các gian phòng, khu vực tham khảo tại Phụ lục A TCVN 5738:2021.

+ Lựa chọn loại đầu báo cháy khói có độ nhạy phù hợp đối với từng loại khói khác nhau.

+ Trường hợp nhà có trần treo giữa các lớp trần có lắp đặt các hệ thống kỹ thuật, cáp điện, cáp tín hiệu thì phải lắp bổ sung đầu báo cháy ở trần phía trên trần treo. Đối với khu vực trần treo hở hoặc trần dạng nan hở được phép thiết kế và lắp đặt đầu báo cháy phía trên trần hở khi đáp ứng các yêu cầu sau: Khoảng hở có cấu trúc tuần hoàn và diện tích của nó vượt quá 40 % bề mặt; Kích thước tối thiểu của mỗi khoảng hở trong bất kỳ phần nào không nhỏ hơn 10 mm; Độ dầy của tấm trần treo không lớn hơn ba lần kích thước tối thiểu của lỗ hở. Nếu ít nhất một trong những điều kiện trên không được đáp ứng, các đầu báo cháy phải được lắp đặt trong vị trí chính trên trần treo, trong trường hợp cần thiết, thì phải lắp đặt bổ sung đầu báo cháy bảo vệ khu vực trên trần treo. Khi sử dụng các đầu báo cháy lửa thì chúng phải lắp đặt cả phía trên và phía dưới trần dạng hở.

+ Các đầu báo cháy phải lắp lắp trên trần nhà hoặc mái nhà, các đầu báo cháy phải cách trần nhà không quá 0,3 m tính cả kích thước của đầu báo cháy tự động và lưu ý xác định nhà mái dốc hay nhà mái chữ A. Vị trí lắp đặt đầu báo cháy đầu tiên phải nằm trong phạm vi khu vực 0,9 m tính từ đỉnh mái, ngoại trừ khu vực dưới mái và cách đỉnh mái 0,1 m theo phương ngang (đây được coi là vùng không khí chết, không chuyển động nên khi cháy nhiệt độ và khói khó xâm nhập được vào vùng này). Các đầu báo cháy còn lại được xác định vị trí và khoảng cách trên cơ sở hình chiếu bằng của mái, các thông số tính toán như trường hợp trần phẳng.

+ Trường hợp lắp đặt đầu báo cháy trong khu vực chất cháy, thiết bị công nghệ, kết cấu cách trần 0,6m thì phải lắp đặt bổ sung đầu báo cháy phía trên mép ngoài thiết bị, chất cháy và vẫn tính diện tích đảm bảo theo từng loại đầu báo cháy.

+ Khu vực lắp đặt nhiều loại đầu báo cháy khác nhau (khói, nhiệt) phải đảm bảo mỗi khu vực đó được kiểm soát bởi ít nhất 01 đầu báo cháy. Khoảng cách giữa các đầu báo cháy và từ đầu báo cháy đến tường phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm cháy, nổ của khu vực và đặc tính kỹ thuật của đầu báo cháy (Ví dụ khoảng cách giữa đầu báo cháy khói, nhiệt bố trí hỗn hợp được xác định bằng ½ tổng khoảng cách cho phép của 02 loại đầu báo cháy nêu trên; khoảng cách từ đầu báo cháy đến tường xác định theo loại đầu báo cháy đó).

+ Bố trí đầu báo cháy khói kiểu điểm theo quy định Điều 6.13 TCVN 5738:2021, đầu báo cháy khói tia chiếu theo quy định Điều 6.14, đầu báo cháy nhiệt kiểm điểm theo quy định Điều 6.15 TCVN 5738:2021, đầu báo cháy lửa theo quy định Điều 6.16, đầu báo cháy khói kiểu hút lắp đặt quy định theo Điều 6.17 TCVN 5738:2021, đầu báo cháy nhiệt kiểu dây theo Điều 6.18, đầu báo cháy không dây quy định theo Điều 6.19 TCVN 5738:2021. (Lưu ý khoảng cách đầu báo cháy đến mép ngoài của miệng thổi của các hệ thống thông gió hoặc hệ thống điều hoà không khí không được nhỏ hơn 1 m).

– Nút ấn, chuông, đèn báo cháy:

+ Yêu cầu đối với nút ấn báo cháy theo Điều 7, trong đó xem xét về chiều cao lắp đặt, vị trí lắp đặt và khoảng cách giữa các nút ấn báo cháy tham khảo tại Phụ lục B TCVN 5738:2021. Trong đó lưu ý khoảng cách giữa các nút ấn không quá 45 m và khoảng cách từ nút ấn báo cháy đến lối ra của mọi gian phòng không quá 30 m.

+ Các thiết bị báo cháy bằng âm thanh phải đảm bảo các yêu cầu sau: Tín hiệu báo động phải phân bố đồng thời trong khoang cháy/nhà và công trình. Các tín hiệu báo động, nghe thấy rõ ở tất cả các địa điểm trong khoang cháy/nhà và công trình. Mức cường độ âm ở tất cả các vị trí phải đảm bảo lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 10 dBA và không lớn hơn 105 dBA. Tín hiệu báo động bằng âm thanh đối với các khu vực ngủ phải lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 15 dBA (với điều kiện các cửa ra vào đều đóng). Trong trường hợp nhà và công trình có trang bị hệ thống âm thanh công cộng thì mức cường độ âm của các hệ thống này cần bảo đảm theo yêu cầu của Điều 9.1.1 của TCVN 5738:2021.

+ Vị trí lắp đặt thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng: Được lắp đặt trên hành lang, lối ra thoát nạn; nơi người khiếm thính thường ở; nơi có tiếng ồn xung quanh vượt quá 95 dBA; khu vực yêu cầu hạn chế về âm thanh (ví dụ khu vực phòng mổ trong bệnh viện). Tín hiệu cảnh báo bằng ánh sáng cần bảo đảm tính đồng bộ khi lóe sáng (không sử dụng đèn chỉ thị làm đèn báo cháy).

– Bộ phận liên kết:

+ Dây tín hiệu báo cháy dùng để kết nối các thiết bị địa chỉ của hệ thống báo cháy tự động địa chỉ phải là loại chống nhiễu;

+ Cáp tín hiệu điều khiển thiết bị ngoại vi phải là loại chịu nhiệt cao có giới hạn chịu lửa 30 phút hoặc cáp thường nhưng phải có biện pháp bảo vệ khỏi sự tác động của nhiệt trong thời gian 30 phút.

– Đối với hệ thống báo cháy dùng để điều khiển hệ thống chữa cháy tự động phải bảo đảm:

+ Mỗi điểm trong khu vực chữa cháy phải được bảo vệ bởi 02 đầu báo cháy thuộc 02 kênh khác nhau hoặc 02 địa chỉ khác nhau;

+ Dây tín hiệu phải là loại chịu nhiệt cao có giới hạn chịu lửa 30 phút hoặc cáp thường nhưng phải có biện pháp bảo vệ khỏi sự tác động của nhiệt trong thời gian 30 phút.

II. Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt

– Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt quy định tại TCVN 7336:2021 chỉ áp dụng cho các khu vực bảo vệ, các gian phòng trong nhà, không được áp dụng cho các khu vực hoặc thiết bị nằm ngoài trời như các bồn dầu đặt ngoài trời, máy biến áp đặt ngoài trời,… Đối với các thiết bị ngoài nhà cần áp dụng các tiêu chuẩn riêng cho từng loại đối tượng, trường hợp chưa có tiêu chuẩn Việt Nam quy định thì cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế hệ thống chữa  cháy tự động cho các đối tượng này bảo đảm theo quy định.

– Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt (Sprinkler, Drencher, Sprinkler-Drencher) chỉ áp dụng đối với khu vực có chiều cao giá hàng hóa đến 5,5 m, trường hợp công trình có giá hàng hóa cao trên 5,5 m thì phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động khác hoặc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế.

– Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt Spinkler, Sprinkler-Drencher (sử dụng đầu phun kín) chỉ áp dụng đối với khu vực có chiều cao đến 20 m, trường hợp gian phòng, nhà có chiều cao trên 20 m thì phải thiết kế, bố trí hệ thống khác phù hợp hoặc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế.

– Lưu lượng cần thiết của hệ thống được lấy bằng giá trị lớn nhất giữa lưu lượng tối thiểu quy định tại Bảng 1, 2, 3 và lưu lượng được tính toán theo Phụ lục B TCVN 7336:2021.

– Đối với việc tính toán lưu lượng, cột áp của hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt sử dụng các thông số trong Bảng 1, 2, 3 và tham khảo công thức tính toán tại Phụ lục B TCVN 7336:2021. Không sử dụng lưu lượng tối thiểu để tính toán và chọn lại thông số đầu phun và đường ống.

– Đối với các khu vực bảo vệ có chiều cao trên 10 m cần lưu ý yêu cầu cao hơn về cường độ phun và lưu lượng theo quy định tại Chú thích 3 Bảng 2 và Bảng 3 TCVN 7336:2021.

– Hệ thống Sprinkler và hệ thống Sprinkler-Drencher cần đáp ứng các yêu cầu về lưu lượng tối thiểu và diện tích tính toán tối thiểu; Hệ thống chữa cháy tự động Drencher cần đảm bảo thông số về cường độ phun theo nhóm nguy cơ phát sinh cháy, khi phân chia khu vực bảo vệ cần đảm bảo diện tích được phân chia ≥ diện tích tính toán tối thiểu; lưu lượng của hệ thống chữa cháy tự động Drencher được tính toán theo diện tích được phân chia thực tế, đảm bảo ≥ lưu lượng tối thiểu.

– Áp suất duy trì trong hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt phải đảm bảo kích hoạt hệ thống tự động.

– Chất tạo bọt được sử dụng cho các hệ thống Sprinkler, Drencher là loại có bội số nở thấp và trung bình, đối với chất tạo bọt bội số nở cao được quy định riêng tại Mục 6 TCVN 7336:2021. Các loại hệ thống này có nguyên lý khác nhau và có yêu cầu riêng phù hợp với đặc tính chữa cháy của các loại bọt có bội số nở khác nhau nên phải bảo đảm sử dụng loại bọt có bội số nở phù hợp đối với từng loại hệ thống và phù hợp với đối tượng bảo vệ. Trong đó, hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt bội số nở thấp và trung bình thường được sử dụng để chữa cháy cho các đám cháy chất lỏng cháy và chất lỏng dễ cháy; hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt bội số nở cao thường được sử dụng để chữa cháy theo thể tích cho các khu vực như nhà sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, đám cháy hầm lò, máng cáp và 1 số khu vực có không gian hạn chế khác.,…

– Việc chữa cháy cho các thiết bị điện được quy định tại Điều 5.1.6 TCVN 7336:2021, trong đó, nếu khu vực bảo vệ có thiết bị không được cách điện (dây dẫn trần, các thiết bị điện không có vỏ bảo vệ,…) thì phải có phương án liên động, bảo đảm ngắt điện trước khi hệ thống hoạt động và phun nước, bọt vào đám cháy.

– Thời gian đáp ứng của hệ thống đối với hệ thống Sprinkler đường ống khô, hệ thống Sprinkler-Drencher (có khí nén) được quy định tại Điều 5.2.4, 5.2.6 TCVN 7336:2021, được tính là thời gian kể từ khi vỡ đầu phun đến khi nước chữa cháy được phun ra từ đầu phun (tức là thời gian để khí nén trong đường ống được xả hết qua đầu phun bị tác động).

– Bộ điều khiển là một tổ hợp các thiết bị kỹ thuật được đặt tại vị trí xác định và thực hiện các chức năng nhất định trong hệ thống, các dạng thông thường của bộ điều khiển là van báo động (alarm valve), van tràn ngập (deluge valve), van tác động trước (pre-action valve),… Bộ điều khiển phải được đặt ở trọng trạm bơm chữa cháy hoặc trong khu vực bảo vệ bảo đảm theo quy định tại Điều 5.6.2 TCVN 7336:2021.

– Được phép sử dụng đường ống phi kim loại theo quy định tại Điều 5.5.1 TCVN 7336:2021, các đường ống phi kim phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn riêng cho từng loại ống và phải được kiểm định theo quy định. Các thông số về sức cản đơn vị, đặc tính thủy lực của đường ống phi kim để tính toán hệ thống được lấy theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất.

III. Trạm bơm nước chữa cháy

– Số lượng, chủng loại bơm chữa cháy:

+ Máy bơm dự phòng phải có công suất tương đương với công suất của máy bơm chính. Số lượng bơm dự phòng được quy định như sau: Khi số lượng máy bơm vận hành theo tính toán từ một đến ba thì phải có ít nhất một máy bơm dự phòng; khi số lượng máy bơm vận hành theo tính toán từ bốn máy trở lên thì phải có ít nhất 02 máy bơm dự phòng. Đối với trạm bơm chỉ cấp nước chữa cháy ngoài nhà, cho phép dùng máy bơm để cấp nước chữa cháy mà không cần máy bơm dự bị và máy bơm chữa cháy chính, chỉ nối với một nguồn điện khi lượng nước chữa cháy bên ngoài dưới 20 l/s hoặc trong các nhà sản xuất bậc chịu lửa I, II thuộc hạng nguy hiểm cháy D, E.

+ Mỗi trạm bơm nước chữa cháy có 02 máy bơm trở lên thì phải có ít nhất 02 đường ống hút. Mỗi đường ống phải bảo đảm hút được một lượng nước chữa cháy cần thiết lớn nhất, khi một trong hai ống đó bị hỏng hoặc phải bảo trì, sửa chữa thì các máy bơm vẫn hút được nước từ ống hút còn lại. Trường hợp số lượng bơm chính từ 02 bơm trở lên thì mỗi bơm phải có 01 đường ống hút, các đường ống hút phải kết nối với nhau bằng van thường đóng.

+ Bơm chữa cháy chính có thể là bơm điện hoặc bơm động cơ đốt trong. Trường hợp máy bơm chữa cháy chính và máy bơm dự phòng cùng là bơm điện thì phải được đấu nối với hai nguồn điện riêng biệt, hoặc nguồn điện dự bị trạm phát điện. Trường hợp máy bơm dự phòng là bơm động cơ đốt trong thì máy bơm chữa cháy chính (bơm điện) chỉ cần đấu nối với 01 nguồn điện.

– Vị trí trạm bơm chữa cháy:

+ Trạm bơm chữa cháy đặt trong nhà, công trình phải đặt ở tầng 1 hoặc tầng hầm 1. Cho phép đặt trạm bơm nước chữa cháy tại các tầng nổi khác của nhà khi phòng đặt bơm có cửa ra phải thông buồng đệm thang thoát nạn của tòa nhà qua hành lang được bảo vệ bằng kết cấu ngăn cháy loại 1. Trạm bơm chữa cháy có thể bố trí chung với bơm nước sinh hoạt, sản xuất trong cùng một gian phòng hoặc nhà.

+ Trạm bơm đặt độc lập với nhà, công trình thì phải có bậc chịu lửa III.

– Khoảng cách giữa các thiết bị trong trạm bơm phải bảo đảm theo quy định của TCVN 4513:1988, TCVN 7336:2021 và QCVN 02:2020/BCA.

– Trạm bơm phải có hệ thống thoát nước dưới sàn nhà để tránh ngập nước;

– Đối với trạm bơm cấp nước cho hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt có động cơ đốt trong, cho phép bố trí bồn nhiên liệu (xăng – 250 l, dầu diesel – 500 l) cách biệt với phòng bơm bằng các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 120 theo quy định tại Điều 5.8.18 của TCVN 7336:2021;

– Đối với bơm ly tâm, khi bể nước dạng nửa chìm nửa nổi phải có giải pháp mồi nước cho bơm.

– Không áp dụng QCVN 02:2020/BCA để thiết kế trạm bơm chỉ phục vụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà.

– Đối với trạm bơm thiết kế theo QCVN 02:2020/BCA, mỗi máy bơm phải được điều khiển và kiểm soát từ một tủ điều khiển riêng biệt. Có thể bố trí chung thiết bị điều khiển bơm nước chữa cháy động cơ điện và bơm bù áp chung một tủ điều khiển, nhưng không được bố trí thiết bị điều khiển bơm nước chữa cháy chính và bơm nước chữa cháy dự phòng chung một tủ điều khiển.

IV. Hệ thống chữa cháy bằng khí

3.1 Đối với hệ thống chữa cháy bằng khí IG-100 (Nitơ), HFC-227ea (FM200), FK-5-1-12 (Novec-1230),…

– Khi xem xét lượng khí chữa cháy cho một khu vực, cần bảo đảm lượng khí chữa cháy không vượt quá nồng độ tối đa cho phép tránh nguy hiểm đến con người bên trong khu vực bảo vệ; hệ thống chuông, đèn cảnh báo cần được trang bị bên ngoài và bên trong khu vực bảo vệ;

– Đường ống dẫn khí chữa cháy phải được chế tạo bằng vật liệu không cháy. Không được sử dụng ống gang và ống phi kim loại. Các ống mềm (bao gồm cả các đầu nối) phải được làm bằng vật liệu đã được chấp nhận và phải thích hợp để làm việc ở áp suất cho trước của khí chữa cháy; đường ống dẫn khí chữa cháy và các mối nối, mối ghép phải bảo đảm chịu được áp lực làm việc, đặc biệt đối với các loại khí chữa cháy không hóa lỏng (Nitơ); trên đường ống góp phải được lắp đặt van an toàn áp suất;

– Các hệ thống thông gió cưỡng bức phải dừng lại hoặc tự động ngắt, cũng như các louver thông gió phải được đóng kín khi chúng ảnh hưởng đến tính năng làm việc của hệ thống hoặc làm cho đám cháy lan rộng;

– Thời gian xả khí chữa cháy không quá 10 giây đối với khí hóa lỏng (HFC-227ea, FK-5-1-12) và không quá 60 giây đối với khí không hóa lỏng (IG-100); thời gian duy trì nồng độ dập tắt trong khu vực bảo vệ không được nhỏ hơn 10 phút.

– Lượng khí chữa cháy trong hệ thống tối thiểu phải đủ cho một khu vực được bảo vệ lớn nhất hoặc một nhóm các khu vực được bảo vệ đồng thời. Khi có yêu cầu, lượng dự trữ phải là bội số của lượng cung cấp chính theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, lưu ý trường hợp sử dụng 01 cụm bình khí chữa cháy cho từ 02 gian phòng trở lên thì yêu cầu dự trữ 100%, không bắt buộc dự trữ đối với cụm bình khí chữa cháy chỉ bảo vệ cho 01 gian phòng. Các bình khí dự trữ phải được kết nối với hệ thống thông qua van chặn thường đóng.

– Hệ thống chữa cháy bằng khí sau khi lắp đặt phải có báo động và thời gian trễ trước khi phun, đủ để con người thoát nạn ra ngoài…

3.2 Hệ thống chữa cháy bằng khí Cacbon dioxit (CO2)

– Hệ thống ống dẫn phải làm bằng các vật liệu không cháy, bảo đảm tính toàn vẹn, không bị biến dạng và hư hỏng khi chịu ứng suất. Không cho phép sử dụng gang và ống phi kim loại làm hệ thống ống dẫn khí chữa cháy. Đường ống dẫn khí chữa cháy và các mối nối, mối ghép phải bảo đảm chịu được áp lực làm việc (áp suất làm việc đối với hệ thống áp suất cao thường trong khoảng 100 – 150 bar).

– Thời gian xả khí trong hệ thống chữa cháy thể tích không vượt quá 60 giây; thời gian xả khí (dạng lỏng) sử dụng cacbon dioxit áp suất cao trong hệ thống chữa cháy chữa cháy cục bộ không vượt quá 30 giây; thời gian xả khí sử dụng cabon dioxit áp suất thấp trong hệ thống chữa cháy cục bộ từ 30 giây đến 60 giây.

– Thời gian duy trì xả khí phụ thuộc vào loại chất cháy và phải phù hợp theo quy định tại Điều 15.8 và Bảng 1 TCVN 6101:1996.

– Yêu cầu an toàn đối với người phải bảo đảm theo quy định tại Điều 5 TCVN 6101:1996, trong đó lưu ý phải có những biện pháp để di tản nhanh người bị kẹt ở trong khu vực bảo vệ ra ngoài trước khi xả khí và hạn chế người vào khu vực bảo vệ sau khi đã xả khí, trừ trường hợp vào cứu người theo quy định.

– Khu vực chứa bình khí chữa cháy Cacbon dioxit phải là khu vực được bảo vệ và không cho phép người không có phận sự vào bên trong.

– Hệ thống chữa cháy bằng khí Cacbon dioxit phải có lượng khí dự trữ chữa cháy 100%, các bình khí dự trữ phải được kết nối với hệ thống thông qua van chặn thường đóng.

– Hệ thống chữa cháy bằng khí Cacbon dioxit sau khi lắp đặt phải có báo động và thời gian trễ trước khi phun, đủ để con người thoát nạn ra ngoài…

13.3 Hệ thống chữa cháy bằng Sol-khí

– Chất chữa cháy và các thiết bị của hệ thống chữa cháy bằng Sol-khí phải bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn UL 2775 Tiêu chuẩn cho thiết bị của hệ thống chữa cháy cố định bằng Sol-khí dạng cô đặc (Standard for fixed condensed aerosol extinguishing system units) hoặc tiêu chuẩn tương đương (Điều 4.2.1.2 TCVN 13333:2021). Chất chữa cháy và các thiết bị của hệ thống chữa cháy bằng Sol-khí phải được kiểm định phương tiện về PCCC để đảm bảo yêu cầu nêu trên;

– Bình phun Sol-khí phải phun trong phạm vi nhiệt độ và khoảng cách an toàn tối thiểu đến người và các vật liệu dễ cháy theo hướng dẫn đã được thử nghiệm của nhà sản xuất. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa vỏ bọc bình phun Sol-khí và con người phải là khoảng cách từ vỏ bọc bình phun Sol-khí đến nơi có nhiệt độ không vượt quá 75°C (167°F) trong và sau khi phun. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa vỏ bọc bình phun Sol-khí và các vật liệu dễ cháy phải là khoảng cách từ vỏ bọc bình phun Sol-khí đến nơi có nhiệt độ không vượt quá 200°C (392°F) trong và sau khi phun;

– Nồng độ thiết kế được lấy từ nồng độ dập tắt nhân với hệ số an toàn 1,3. Trong đó nồng độ dập tắt được nêu trong hướng dẫn của nhà sản xuất nên trong hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế phải thể hiện được thông số này (tham khảo thông số hệ thống tại Phụ lục A TCVN 13333:2021);

– Bình phun Sol-khí ngoài cơ chế kích hoạt tự động từ hệ thống báo cháy, còn phải có thiết bị kích hoạt phun bằng tay (cần gạt, nút nhấn…) và nút nhấn tạm dừng (Điều 6.2.3.7, 6.2.5.4 TCVN 13333:2021); trung tâm điều khiển và các công tác, nút nhấn được lắp đặt theo quy định tại Điều 8.1 TCVN 13333:2021

– Hệ thống chữa cháy bằng Sol-khí sau khi lắp đặt phải có báo động và thời gian trễ trước khi phun, đủ để con người thoát nạn ra ngoài quy định tại Điều 6.2.5.7 TCVN 13333:2021.

V. Hệ thống chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn

 Đèn chiếu sáng sự cố và biển báo an toàn có nguồn điện dự phòng phải đảm bảo thời gian hoạt động ổn định liên tục tối thiểu là 120 min khi có sự cố cháy, nổ.

Biển báo an toàn phải được nhìn thấy rõ ràng các chữ “LỐI RA” hoặc chữ “EXIT”, ký hiệu hình học khác thích hợp. Trong đó lưu ý: màu sắc của biển báo an toàn có màu nền là màu xanh lá cây; màu chữ và ký hiệu hình học là màu trắng.

Về thiết kế, lắp đặt phương tiện chiếu sáng sự cố

+ Đèn chiếu sáng sự cố phải được lắp đặt cho các khu vực của nhà và công trình theo quy định tại điều 5.1.1 của TCVN 13456:2022, trong đó lưu ý có thể không cần bố trí đèn chiếu sáng sự cố trong các trường hợp sau: Sân vườn, khu vực sân thượng không có mái che hoặc toà nhà cao 01 tầng có diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở trên tường ngoài nhà đạt tối thiểu 80%.

+ Các tủ trung tâm báo cháy, nút ấn báo cháy và các phương tiện chữa cháy phải luôn được chiếu sáng đầy đủ để có thể dễ dàng xác định vị trí và nếu không nằm trên đường thoát nạn hoặc không nằm trong một phạm vi khoảng trống thì phải được chiếu sáng tối thiểu 5 lux tại mặt sàn. Lưu ý phương tiện chữa cháy nêu trên không phải là các đầu báo cháy, đầu phun sprinkler.

+ TCVN 13456:2022 làm rõ độ rọi của đèn chiếu sáng sự cố tại các vị trí khác nhau như chiếu sáng sự cố đường thoát nạn; chiếu sáng sự cố gian phòng. Yêu cầu về độ rọi, nguy cơ gây chói lóa được quy định tại Điều 5.1.2 đến điều 5.1.5.

Về thiết kế, lắp đặt biển báo an toàn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn

+ Biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn, biển báo chỉ hướng thoát nạn, biển báo an toàn tầm thấp phải được lắp đặt cho các khu vực của nhà và công trình theo quy định tại điều 5.2.1, 5.2.2, 5.2.3 của TCVN 13456:2022. Lưu ý phải bố trí biển báo an toàn tầm thấp ở các tầng nhà có bố trí phòng nghỉ của khách sạn cao từ 07 tầng hoặc tổng khối tích 5.000 m3 trở lên có hành lang thoát nạn lớn hơn 10 m.

+ Khoảng cách giữa các biển báo an toàn được xác định phụ thuộc vào chiều cao biển báo và khoảng cách nhìn theo quy định tại Điều 5.2.7 của TCVN 13456:2022, tuy nhiên khoảng cách giữa các biển báo không được vượt quá 25m.

+ Biển báo an toàn (không bao gồm biển báo an toàn tầm thấp) phải lắp đặt ở độ cao từ 2 m đến 2,7 m so với mặt sàn, hoặc ngay trên cửa nếu cửa có chiều cao lớn hơn 2,7 m. Các khu vực không được bảo vệ chống khói khiến khói tích tụ có thể che khuất thì biển báo an toàn nên được gắn thấp hơn trần nhà tối thiểu 0,5 m để tránh bị ngập khói và không được lắp đặt biển báo an toàn được chiếu sáng từ bên ngoài. Cách xác định chiều cao lắp đặt của biển báo an toàn được tính từ mặt sàn đến mép dưới của biển báo.

+ Tại các tầng có diện tích lớn hơn 1000 m2 hoặc có từ hai lối ra thoát nạn trở lên phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn và trong các phòng nghỉ của của khách sạn và các cơ sở lưu trú, cho thuê phòng ở phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn. Thiết kế, lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải đảm bảo theo điều 5.2.9 của TCVN 13456:2022.

VI. Thang máy chữa cháy

– Đối với nhà có phần ngầm thuộc diện nhưng phần nổi không thuộc diện phải trang bị thang máy chữa cháy (TMCC), chỉ yêu cầu thiết kế TMCC cho phần ngầm và ngược lại. Trường hợp TMCC thông giữa phần ngầm và phần nổi thì tại phần nhà không thuộc diện trang bị vẫn phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của TMCC, nhưng không yêu cầu bán kính phục vụ.

– Về yêu cầu thiết kế bổ sung đối với nhà nhóm F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp từ 50 m đến 150 m: phải bố trí TMCC có sảnh thang máy độc lập. Lối ra từ thang máy chữa cháy đi ra ngoài nhà không được bố trí đi qua sảnh chung.

– Bán kính phục vụ TMCC được tính từ cửa khoang đệm đến một điểm bất kỳ trên mặt bằng tầng trong phạm vi khoang cháy mà nó phục vụ (bán kính phục vụ TMCC không yêu cầu tính theo đường di chuyển).

– Thiết bị điện trong giếng TMCC phải bảo đảm tránh nước theo quy định tại Điều 5.3 TCVN 6396-72:2010.

– Kích thước cabin TMCC phải có chiều rộng không nhỏ hơn 1,1 m, chiều sâu không nhỏ hơn 2,1 m, tải trọng không tối thiểu 1.000 kg khi có tính đến sơ tán người khỏi đám cháy và sử dụng băng ca hoặc giường đơn, hoặc được thiết kế như với TMCC có 2 lối vào. Trong bất kỳ trường hợp nào, kích thước TMCC phải có chiều rộng không nhỏ hơn 1,1 m, chiều sâu không nhỏ hơn 1,4 m, tải trọng không tối thiểu 630 kg.

– Cabin TMCC phải có phương án giải cứu người bị mắc kẹt trong cabin từ bên ngoài và tự giải cứu từ bên trong cabin thông qua cửa sập khẩn cấp trên nóc cabin với kích thước không nhỏ hơn 0,5 m x 0,7 m đối với thang máy có tải trọng tối thiểu 1.000 kg, kích thước không nhỏ hơn 0,4 m x 0,5 m đối với thang máy có tải trọng tối thiểu 630 kg theo quy định tại Điều 5.4.1 TCVN 6396-72:2010.

– Về chế độ vận hành của TMCC: Ở chế độ hoạt động bình thường, cửa các TMCC không được mở vào tầng có gian lánh nạn. Cửa tầng của các giếng thang tại những tầng có gian lánh nạn phải thường xuyên được khóa và chỉ được tự động mở khóa khi chuyển sang chế độ phục vụ lực lượng chữa cháy. Trong trường hợp có cháy, TMCC sẽ được gọi về ưu tiên và được thực hiện bằng tay (nút điều khiển do lính chữa cháy thực hiện) hoặc tự động (bằng tín hiệu của hệ thống báo cháy), sau đó thang máy sẽ được sử dụng dưới sự điều khiển của lính chữa cháy theo quy định tại Điều 5.8 TCVN 6396-72:2010.

VII. Giải pháp cấp điện cho hệ thống PCCC

– Cần xem xét giải pháp cấp điện cho PCCC gồm: hệ thống báo cháy tự động, các hệ thống chữa cháy, thông tin và điều khiển việc sơ tán, cứu người, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, thang máy chữa cháy, hệ thống chống tụ khói (tăng áp và hút khói), hệ thống điều khiển các giải pháp ngăn cháy.

– Phải thể hiện sơ đồ cấp điện từ nguồn ưu tiên và nguồn dự phòng bảo đảm công suất hoạt động của các hệ thống trong trường hợp xảy ra cháy.

– Mạch điện ưu tiên phải độc lập với các mạch điện khác;

–  Cáp của mạch điện ưu tiên phải sử dụng cáp chống cháy. Không được lắp đặt các mạch điện của nguồn điện ưu tiên đi trong khoang thang máy hoặc các loại ống thông hơi, thông khói, trừ các cáp dùng cho thang máy chữa cháy.

– Các hệ thống PCCC phải bảo đảm được cấp điện ưu tiên từ 02 nguồn độc lập (một nguồn điện lưới và một nguồn máy phát điện dự phòng). Không cho phép sử dụng 02 nguồn độc lập từ 02 nguồn điện lưới qua các máy biến áp.

– Nguồn điện ưu tiên cấp cho hệ thống PCCC (ắc-quy, pin, tổ máy phát điện độc lập, lộ riêng độc lập với lộ cấp điện bình thường) phải có đủ công suất, độ tin cậy, thời gian hoạt động đáp ứng cần thiết, thông số đặc trưng và thời gian chuyển đổi thích hợp theo quy định.

– Cần có giải pháp dừng cấp điện cho các phụ tải không ưu tiên và duy trì nguồn điện cho các hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật khác liên quan về PCCC hoạt động. Trường hợp mất điện lưới, nguồn dự phòng phải được tự động cấp cho các hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật khác liên quan về PCCC

TCVN 7161 pccc
TCVN 7161 pccc

 

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983016201
challenges-icon chat-active-icon