PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GÓP PHẦN THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PCCC & CNCH TẠI VIỆT NAM

Bài tham luận của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH Việt Nam tại hội thảo khoa học do Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam tổ chức ngày 20.12.2022

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) luôn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó phương tiện PCCC là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của các giải pháp về PCCC. Đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức sản xuất, chế tạo và công nghệ của sản phẩm, đòi hỏi các nhà sản xuất phương tiện PCCC cần có sự đầu tư để kịp thời thích nghi với thị trường trong tình hình mới.

Ngay từ khi ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 vào năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã có riêng Điều 56 quy định về khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trong đó có hoạt động sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC (sau đây gọi tắt là sản xuất). Qua số liệu thống kê kết quả kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC từ năm 2020 đến nay của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, năm 2020 có hơn 7 triệu phương tiện, năm 2021 có hơn 8 triệu phương tiện và năm 2022 có hơn 10 triệu phương tiện PCCC được kiểm định. Trong đó, số lượng phương tiện PCCC được sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 20 – 25%, phần lớn các phương tiện lưu thông trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu…)

Nhìn sang đất nước Nhật bản với dân số hơn 127 triệu người, theo thống kê của Cục Phòng cháy, Chữa cháy và Ứng phó thảm họa, tính đến năm 2022 cả nước có khoảng 144 công ty sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC, sản xuất trên 26 triệu phương tiện PCCC phục vụ công tác PCCC trong nước. Tại Hàn quốc với hơn 51 triệu dân, tính đến năm 2022 đất nước có 85 công ty sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC, sản xuất được trên 13 triệu phương tiện PCCC phục vụ công tác PCCC trong nước. Những số liệu trên phản ánh thực tế tiềm năng phát triển công nghiệp sản xuất phương tiện PCCC tại Việt Nam trong những năm tiếp theo là rất lớn.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, trong những năm qua Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng công tác quản lý phương tiện PCCC, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất phương tiện PCCC trong nước.

Thiết bị pccc và cnch

Những hoạt động cụ thể

  1. Về mặt cơ chế, chính sách, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Bộ Công an trình Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC; ngày 31/12/2020 Bộ Công an ban hành Thông tư số 149/2020/TT-BCA Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó có nhiều quy định chặt chẽ đối với quy trình thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định, đồng thời bổ sung quy định cho phép các đơn vị có đủ năng lực thực hiện kiểm định chất lượng phương tiện PCCC. Ngoài ra, Nghị định đã quy định cụ thể phương tiện PCCC phải được kiểm định trước khi lưu thông và kiểm định tự đơn vị trực tiếp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu. Với những quy định mới về kiểm định, công tác quản lý, giám sát chất lượng phương tiện đã được thực hiện linh hoạt nhưng cũng rất chặt chẽ, qua đó hạn chế rất nhiều các phương tiện không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường trong nước.
  2. Để đáp ứng tốt công tác đánh giá chất lượng, kiểm định các phương tiện PCCC trong tình hình mới, trong những năm qua Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai ra soát, lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn 5 năm và kế hoạch hằng năm. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì xây dựng mới và soát xét 26 tiêu chuân, quy chuẩn, trong đó có 18 tiêu chuẩn và 01 quy chuẩn quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện PCCC, kết quả này là cơ sở giúp cơ quan quản lý thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng phương tiện PCCC phù hợp yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt là QCVN 03:2021/BCA, đây là quy chuẩn đầu tiên quy định về chất lượng phương tiện PCCC.
  3. Trong thời gian qua, công tác kiểm định phương tiện PCCC đã có nhiều chuyển biến tích cực, quá trình kiểm soát chất lượng phương tiện được thực hiện chặt chẽ, khoa học, giúp hạn chế việc đưa các phương tiện kém chất lượng, không đạt chuẩn vào lưu thông trên thị trường, tạo điều kiện phát triển đối với những sản phẩm chất lượng tốt, được kiểm định đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn. Qua số liệu của các đơn vị trực tiếp thực hiện kiểm định, có rất nhiều lô phương tiện sau khi được thử nghiệm, đánh giá có kết quả không đảm bảo theo quy định của tiêu chuẩn (đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc), bên cạnh đó cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng các phương tiện PCCC có chất lượng tốt được sản xuất trong nước, có thể kể đến một số đơn vị sản xuất, lắp ráp như Công ty TNHH Stec Vina, công ty TNHH Vinafoam Việt Nam, công ty TNHH PCCC Tomoken Việt Nam, công ty TNHH Yamato protec Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Ô Tô Hiệp Hòa, Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển công nghệ FireSmart – sản xuất thiết bị báo cháy,… với các phương tiện PCCC sản xuất bao gồm bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy khí sạch, lăng chữa cháy, vòi đẩy chữa cháy, xe ô tô chữa cháy, bơm chữa cháy. Tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa các phương tiện PCCC và CNCH vẫn rất khiêm tốn, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu thực hiện khâu lắp ráp sản phẩm, quy mô của các đơn vị sản xuất trong nước chỉ ở mức vừa và nhỏ, không thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó nhiều sản phẩm chưa cạnh tranh được so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài do có sự chênh lệch về chất lượng hoặc giá thành nên chưa chinh phục được thị trường trong nước. 

Nguyên nhân ngành sản xuất phương tiện PCCC & CNCH trong nước chưa phát triển

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, có thể nhận thấy rằng nền công nghiệp sản xuất phương tiện PCCC trong nước chưa thực sự phát triển tốt để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số vấn đề được nhìn nhận từ góc độ của đơn vị quản lý như sau: 

  1. Nguyên nhân khách quan

– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng phương tiện PCCC đang từng bước đổi mới, mặc dù quá trình thực hiện đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực thi các quy định của pháp luật tuy nhiên gian qua là giai đoạn quá độ nên vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tiễn quá trình triển khai công tác quản lý phương tiện PCCC;

– Chính sách pháp luật về thuế để hỗ trợ các đơn vị sản xuất phương tiện PCCC chưa rõ ràng, chưa có chế độ ưu đãi cụ thể đối với các đơn vị sản xuất trong nước;

– Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hiện đang từng bước hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên còn nhiều loại phương tiện PCCC mới chưa có tiêu chuẩn; có nhiều tiêu chuẩn có quy định chất lượng phương tiện PCCC rất cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất trong nước và yêu cầu kỹ thuật cao cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước;

  1. Nguyên nhân chủ quan

– Việc nghiên cứu khoa học – công nghệ về PCCC ở Việt Nam còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tổ chức nghiên cứu, nắm bắt công nghệ để có thể tự phát triển sản xuất nội địa;

 – Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh phương tiện PCCC còn mang tư tưởng chộp giật, chống đối, số lượng các đơn vị sản xuất có quy trình đạt chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương là rất hạn chế. Để có được lợi ích nhanh chóng thì không ít đơn vị sẵn sàng kinh doanh những phương tiện kém chất lượng, thậm chí có trường hợp kinh doanh phương tiện không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sau đó tìm nhiều cách qua mặt đơn vị quản lý để có được chứng nhận kiểm định hoặc làm giả giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý. Chính điều này đã phần nào tác động tiêu cực tới nguyện vọng của những đơn vị sản xuất kinh doanh chân chính, khi sản phẩm bảo đảm chất lượng phải cạnh tranh không lành mạnh với những sản phẩm có chất lượng không tốt nhưng giá thành rẻ hơn. Tại nhiều quốc gia có nền công nghiệp sản xuất phương tiện PCCC phát triển, các đơn vị sản xuất đều có quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt và ý thức trách nhiệm cao đối với việc xây dựng uy tín, thương hiệu. Khi đó việc kiểm tra chất lượng, kiểm định của cơ quan quản lý đối với phương tiện PCCC và CNCH mới có thể thực hiện linh hoạt, cơ quan quản lý có nhiều biện pháp khác nhau để phối hợp với đơn vị sản xuất đánh giá chất lượng phương tiện PCCC và CNCH;

– Số lượng các đơn vị có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện kiểm định phương tiện PCCC và CNCH chưa nhiều, bên cạnh đó là việc phát huy vai trò trách nhiệm của các các cá nhân, tổ chức thực hiện thử nghiệm chưa thực sự tốt, dẫn tới việc vẫn còn các thiếu sót trong quá trình thực hiện kiểm định phương tiện PCCC, không bảo đảm yêu cầu về tiến độ của chủ phương tiện.

Trước thực trạng trên, để nền công nghiệp sản xuất phương tiện PCCC trong nước có thể thực sự phát triển bền vững và có chiều sâu, cần thực hiện tốt các công việc sau: 

– Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về PCCC; triển khai tuyên truyền, hướng dẫn đến các cá nhân, tổ chức có liên quan để đảm bảo kịp thời và có hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật;

– Bộ Tài chính tham mưu chính phủ ban hành các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi thuế đối với các đơn vị sản xuất phương tiện PCCC trong nước;

– Tăng cường tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo khoa học, các Cuộc thi về khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC với quy mô ngày càng lớn hơn để quy tụ các nhà khoa học, các tổ chức xã hội tiếp tục quan tâm, đầu tư nghiên cứu và đưa ra những ý tưởng; xây dựng những kênh kết nối hiệu quả giữa đơn vị quản lý, các nhà nghiên cứu với các đơn vị đầu tư, ứng dụng để phát triển sản phẩm nghiên cứu từ quy mô phòng thí nghiệm thành những phương tiện, thiết bị có thể được sản xuất quy mô lớn, ứng dụng vào thực tiễn công tác PCCC & CNCH trong nước.

– Các đơn vị sản xuất phương tiện PCCC & CNCH cần nâng cao nhận thức, ý thức xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài và uy tín, hướng tới sản xuất các phương tiện thiết bị có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cùng với đó là nâng cao năng lực của doanh nghiệp, hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng sản phẩm. Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH, nói “không” với những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, đặc biệt là đối với các thành viên của Hiệp hội.

– Các đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định cần nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về kiểm định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan tới phương tiện PCCC và CNCH. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch, không tạo lợi ích nhóm; Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện công tác kiểm định phương tiện PCCC, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Xe chữa cháy sản xuất trong nước
Xe chữa cháy sản xuất trong nước

Tham khảo các bài tham luận khác trong cùng hội thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983016201
challenges-icon chat-active-icon