XÂY DỰNG HỆ THỐNG LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PCCC & CNCH

Bài tham luận của Thiếu tướng, TS Lê Quang Bốn- Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC – trích từ kỷ yếu hội thảo khoa học ngày 20.12.2022 do Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam tổ chức

Tóm tắt: Nghiên cứu, xây dựng hệ thống lý luận về công nghiệp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, làm nền tảng để hình thành và phát triển ngành công nghiệp PCCC và CNCH, phục vụ hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2030 theo định hướng của Đại hội XIII và của Bộ Công an. Trên cơ sở phân tích các quan điểm chỉ đạo của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước và Bộ Công an, cũng như đánh giá một số kết quả đã đạt được, bài viết đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ để xây dựng và hoàn thiện lý luận về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH ở Việt Nam.

Đặt vấn đề

Trong những năm qua, kinh tế đất nước đang giữ vững đà phát triển, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa diễn ra nhanh, dự báo trong những năm tiếp theo, số lượng các dự án, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, nhu cầu sử dụng năng lượng, khí đốt, hóa chất … sẽ tiếp tục tăng cao; tốc độ đô thị hóa kéo theo sự gia tăng về mật độ dân cư, sự bất cập về cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị, thành phố lớn; tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh; sự nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân … sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động tiêu cực đến công tác PCCC và CNCH nếu không có những biện pháp quyết liệt. Sự biến đổi khí hậu và các nguy cơ an ninh phi truyền thống cũng sẽ là các yếu tố tiềm ẩn làm cho tình hình cháy, nổ diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Theo thống kê trong 5 năm từ 2016 đến 2020, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra trên 3.200 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 205 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.600 tỷ đồng và 1.200 hecta rừng… Tình hình trên đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư và đời sống của người dân, đặt ra những thách thức và nhiệm vụ rất nặng nề cho lực lượng PCCC và CNCH. Để bảo vệ thành quả cách mạng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, cần sự quyết tâm, nỗ lực của cả lực lượng và cần huy động được các nguồn lực của xã hội, của các ngành, các cấp. Trong đó, công nghiệp PCCC và CNCH đóng vai trò rất quan trọng, tạo nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay.

Để xây dựng, phát triển được ngành công nghiệp về PCCC và CNCH, trước tiên cần xây dựng được hệ thống lý luận khoa học về lĩnh vực này, nhằm làm rõ các nội hàm của ngành công nghiệp PCCC và CNCH. Từ đó xây dựng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển ngành công nghiệp về PCCC và CNCH theo định hướng của Đảng, của Nhà nước và Bộ Công an.

Phát triển công nghiệp PCCC

Quan điểm chỉ đạo và một số kết quả nghiên cứu lý luận về phát triển công nghiệp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở Việt Nam

Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận; sản xuất, lắp ráp các trang thiết bị, phương tiện về PCCC và CNCH, tiến tới phát triển công nghiệp về PCCC và CNCH đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, định hướng qua nhiều văn bản, cụ thể như:

Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, theo đó để nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó: “Ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ việc sản xuất, lắp ráp trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy trong nước”;

Quyết định 1635/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 22/9/2015 Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy, đã phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó: “Bộ Khoa học và Công nghệ – Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ việc sản xuất, lắp ráp trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở trong nước”;

Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC, đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”;

Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08 tháng 6 năm 2020 quy định về công nghiệp an ninh, đã xếp các sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội, là các sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng được Nhà nước tạo điều kiện về chính sách, cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển …

Nghị quyết số 14-NQ/ĐUCA ngày 10/8/2020 của Đảng ủy Công an Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và Chỉ thị số 10/CT-BCA ngày 10/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng cao chất lượng công tác khoa học và công nghệ CAND trong tình hình mới, đặt ra mục tiêu: “Hình thành các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hơp lý, hướng tới hình thành nền công nghiệp an ninh tự chủ”, đồng thời giao “T06, T07, H09, C09 và các đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp V04… chủ động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại phục vụ sự nghiệp phát triển công nghiệp an ninh”…

Như vậy, có thể thấy quan điểm chỉ đạo và đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp PCCC và CNCH là rất rõ ràng. Theo đó, có thể hiểu: Công nghiệp PCCC và CNCH là một bộ phận của ngành công nghiệp an ninh, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện các hoạt động sản xuất, lắp ráp, bảo quản … các trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH phục vụ công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội.

Thực tiễn công tác PCCC và CNCH của lực lượng CAND trong 60 năm qua cho thấy, cơ sở lý luận và các công nghệ, kỹ thuật nền tảng cho ngành công nghiệp PCCC và CNCH đã được đề cập nhiều trong hệ thống lý luận về PCCC và CNCH, thông qua: Hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo với 278 giáo trình, 22.000 đầu tài liệu các loại; Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, gồm 11 đề tài cấp nhà nước, 74 đề tài cấp Bộ và 176 đề tài cấp cơ sở;  Tạp chí phòng cháy, chữa cháy trong và ngoài nước; các luận văn, luận án và nhiều Hội thảo khoa học các cấp… Có thể khẳng định, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong thời gian qua đã đạt kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển hệ thống lý luận, tạo ra những sản phẩm kỹ thuật giải quyết một số vấn đề cụ thể đảm bảo an toàn PCCC và CNCH phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều đề tài khoa học có ý nghĩa với sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Điển hình như: Thiết kế, chế tạo xe chữa cháy cỡ nhỏ sử dụng trong công tác PCCC và CNCH tại Việt Nam; Thiết kế, chế tạo rô bốt chữa cháy cho các công trình công nghiệp; rô bốt ngầm hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ dưới nước; Thiết kế chế tạo môtô chữa cháy trong khu vực ngõ hẻm; Xây dựng các hệ thống thông minh phục vụ cảnh báo cháy và chỉ huy, điều hành chữa cháy tại các khu đô thị; Nghiên cứu công nghệ và chế tạo các vật liệu chống cháy, hóa chất chữa cháy … phù hợp với điều kiện áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu để tổng hợp lý luận cũng như thực tiễn về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH. Các báo cáo chuyên đề về công tác đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng PCCC và CNCH cũng cho thấy: những năm qua hầu hết các trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH ở Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia trên thế giới. Số lượng các sản phẩm công nghiệp về PCCC và CNCH được sản xuất trong nước rất ít với chất lượng thấp và hàm lượng chất xám không cao, bao gồm: quần áo chữa cháy, quả khói, mặt trùm phòng độc, dung dịch chất tạo bọt chữa cháy … Một số công ty của nước ngoài ở Việt Nam, hoặc công ty liên doanh sản xuất thiết bị PCCC như: bình chữa cháy, vòi chữa cháy, thiết bị báo cháy tự động, lắp ráp xe chữa cháy … với công nghệ hiện đại chủ yếu để xuất khẩu ra nước ngoài, thị phần tiêu thụ trong nước rất nhỏ.

Có thể nói, các sản phẩm công nghiệp về PCCC và CNCH ở nước ta hiện nay đang còn nhiều yếu kém, lạc hậu, phát triển theo hướng tự phát, chưa có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng. Một trong những nguyên nhân là do lý luận về công nghiệp PCCC và CNCH còn thiếu tính hệ thống, thiếu đồng bộ; Khái niệm, mục tiêu, nội dung, định hướng và quy hoạch về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH chưa được xây dựng và hình thành…; Việc đầu tư xây dựng đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu lý luận về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH chưa được quan tâm; Chưa có chiến lược tổng thể để xây dựng và hoàn thiện lý luận về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH; Kết quả các đề tài nghiên cứu về kỹ thuật và công nghệ PCCC và CNCH không được quan tâm đầu tư triển khai sản xuất; chưa gắn kết được nhà khoa học và doanh nghiệp; chưa cụ thể hóa được cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp an ninh … Đây là những thách thức đặt ra, cần được khắc phục trong thời gian sớm nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 14-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an trung ương và Chỉ thị số 10/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác khoa học trong tình hình mới.

Phát triển công nghiệp PCCC
FireSmart AI video smoke detector

Phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu lý luận về phát triển công nghiệp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới

Trong định hướng nghiên cứu, phát triển lý luận đến năm 2030, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: đến năm 2030, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó hoàn thiện hệ thống lý luận về PCCC và CNCH nói chung và hệ thống lý luận về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH nói riêng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với công tác nghiên cứu, phát triển lý luận công nghiệp về PCCC và CNCH. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương xác định quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu lý luận phát triển công nghiệp về PCCC và CNCH; lãnh đạo chặt chẽ quy trình, các khâu, các bước nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận; định hướng việc xây dựng các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận chất lượng cao; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tài năng và đổi mới sáng tạo; lựa chọn, giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, đặc biệt các đề tài nghiên cứu, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm về phương tiện PCCC và CNCH.

Hai là, trên cơ sở học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị trong toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tập trung làm rõ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Bộ Công an về xây dựng và hoàn thiện lý luận về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH; giúp cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này trong xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là vấn đề rất cơ bản, là nội dung chủ yếu của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, bảo đảm cho đường lối phát triển công nghiệp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đi đúng định hướng của Đảng.

Ba là, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với T06, H08, H09, V04 và công an các đơn vị, địa phương triển khai nghiên cứu, làm rõ và thống nhất các nội hàm cơ bản, cốt lõi của công nghiệp PCCC và CNCH, bao gồm: khái niệm, vai trò, đặc điểm, nội dung, cơ sở pháp lý, nguyên tắc và định hướng về phát triển công nghiệp PCCC và CNCH. Đồng thời phân tích đánh giá cụ thể, khách quan về thực trạng việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, sử dụng các phương tiện PCCC và CNCH; đánh giá các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển công nghiệp PCCC và CNCH ở Việt Nam hiện nay để đề ra các giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp PCCC và CNCH trong thời gian tới. Đây là giải pháp rất quan trọng, bảo đảm cho công tác nghiên cứu, phát triển lý luận đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, quan điểm, đinh hướng phát triển công nghiệp PCCC và CNCH. Đồng thời, theo kịp sự phát triển của các nền công  nghiệp về PCCC và CNCH trên thế giới để chủ động hiện đại hóa lực lượng PCCC và CNCH theo đúng lộ trình đã đặt ra. 

Bốn là, phát huy vai trò của các nhà khoa học, tổ chức khoa học, huy động trí tuệ của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội trong cả nước, trực tiếp là các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, các trung tâm, viện nghiên cứu chiến lược… Đây là những cơ quan, lực lượng trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển lý luận về công nghiệp PCCC và CNCH. Do đó, cần khai thác, phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, các chuyên gia đầu ngành; nâng cao trình độ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, năng lực phân tích, dự báo, tham mưu, đề xuất, khái quát lý luận mới…Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đội ngũ cán bộ kế cận có đủ số lượng, chất lượng tốt, cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, đãi ngộ thỏa đáng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho các nhà khoa học nhằm thu hút nhân tài tham gia, cống hiến cho lĩnh vực này.

Năm là, phát triển công nghiệp PCCC và CNCH phải đi từ lý luận đến thực tiễn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phải đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, không nóng vội, chủ quan. Trước mắt cần nghiên cứu làm chủ công nghệ nền tảng, xác định nhóm ngành, đối tượng để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực về tài chính và công nghệ từ nước ngoài. Bên cạnh đó, cần chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế đặt hàng, bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhất là đối với các sản phẩm lưỡng dụng, vừa phục vụ cho công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, vừa phục vụ cho các lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội. Giảm tỉ trọng nhập khẩu, nhất là đối với các sản phẩm sản xuất được trong nước.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, chủ trương của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học phải quan tâm lãnh đạo toàn diện công tác lý luận, tổng kết thực tiễn. Xây dựng nghị quyết lãnh đạo đúng đắn, phân công tổ chức thực hiện khoa học, phát huy vai trò của bí thư cấp ủy, người chỉ huy, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ phát huy năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo trong thực hiện đề tài, đề án, công trình nghiên cứu, tích cực bám và nắm thực tiễn, nâng cao khả năng phát hiện, mạnh dạn tham mưu, đề xuất những vấn đề mới để bổ sung nghiên cứu, xây dựng, phát triển lý luận công nghiệp về PCCC và CNCH./.

Phát triển công nghiệp PCCC

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
  2. Đảng ủy công an Trung ương (2020), Nghị quyết số 14-NQ/ĐUCA ngày 10/8/2020 về nâng cao chất lượng công tác khoa học và công nghệ Công an nhân dân trong tình hình mới.
  3. Bộ Chính trị (2014),  Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014, của Bộ Chính trị  về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. 
  4. Bộ Công an (2020),  Chỉ thị số 10/CT-BCA ngày 10/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng cao chất lượng công tác khoa học và công nghệ Công an nhân dân trong tình hình mới.
  5. Chính phủ (2020), Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/6/2020 Quy định về công nghiệp an ninh.

Xem thêm các bài tham luận khác trong cùng hội thảo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0983016201
challenges-icon chat-active-icon